Thứ 6, 15/11/2024, 18:52[GMT+7]

Hồng Quỳnh Vượt khó để xây dựng nông thôn mới

Thứ 5, 31/05/2012 | 10:20:20
1,690 lượt xem
Hồng Quỳnh là một trong những xã khó khăn nhất huyện Thái Thụy. Tuy nhiên, những năm qua, Ðảng uỷ, chính quyền địa phương nơi đây lại có cách làm hay sáng tạo trong việc huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn, đi tiên phong thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng theo tiêu chí nông thôn mới…

Đường ngõ xóm của Hồng Quỳnh được nhân dân góp công, góp của bê tông hóa khang trang, sạch đẹp.

Cơn mưa tầm tã vào những ngày cuối tháng 5 không ngăn nổi chúng tôi tìm về Hồng Quỳnh để tận mắt chứng kiến người dân ở “mỏm đất” cuối cùng của huyện biển xây dựng nông thôn mới như thế nào? Chủ tịch UBND xã Nguyễn Duy Thiết cho biết: Hồng Quỳnh là xã mới của huyện Thái Thụy được tách ra từ phần đất của 2 xã Thụy Hồng và Thụy Quỳnh, thành lập năm 1966. Dân cư từ nhiều nơi đến sinh sống, 94,29% hộ gia đình làm nông nghiệp, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng: điện-đường-trường, các công trình thuỷ lợi, đường ra đồng…đầu tư chắp vá, thiếu đồng bộ, nhiều công trình xuống cấp.

 

Ðặc biệt, trước đây đường ngõ xóm trong các khu dân cư phần lớn là đường đất, mỗi khi mưa xuống trơn, lầy thụt, nhân dân đi lại rất khó khăn. Trước khi có chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2006, Ðảng uỷ, HÐND xã có Nghị quyết thực hiện việc bê tông hoá đường thôn, ngõ xóm theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó sức dân là chính, xã hỗ trợ một phần (mỗi gia đình từ 3 đến 5 bao xi măng tuỳ điều kiện thực tế). Chủ trương được đưa xuống các thôn bàn bạc, thống nhất và được người dân đồng tình ủng hộ.

 

Ban đầu, trong 2 năm 2007-2008, chỉ có 3 ngõ đổ bê tông với 21 hộ tham gia, nhưng sau khi thấy những hộ này có đường đẹp, ngõ rộng phong trào lan ra toàn xã. Ðến nay, khoảng 90% ngõ xóm trong khu dân cư của Hồng Quỳnh với chiều dài khoảng 9 km được bê tông hoá theo đúng quy chuẩn kích thước: phủ kín mặt đường rộng 2,5m, đổ dầy 10cm, tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng. Người dân nào cũng lao động nhiệt tình, hăng say, mỗi gia đình góp bình quân 3 triệu đồng, cá biệt có hộ góp 5 triệu đồng để làm đường giao thông. Không chỉ huy động sức dân làm đường giao thông trong các thôn xóm, ngay từ năm 2008 Hồng Quỳnh đã hoàn thành lập quy hoạch giao thông thủy lợi nội đồng, quy vùng sản xuất cây màu, cây vụ đông, được UBND huyện phê duyệt.

 

Trên cơ sở đó, trong 3 năm 2008-2010, người dân tiếp tục lao động không biết mệt mỏi từ trong đồng ra ngoài bãi, đào đắp 19km đường bờ thửa đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật rộng 2,5m mặt, 3m chân đáp ứng việc tưới tiêu phục vụ sản xuất và vận chuyển nông sản.

 

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Hồng Quỳnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân thấy rõ được lợi ích của xây dựng nông thôn mới, vai trò chủ thể chính của họ trong quá trình thực hiện. Xã phối hợp tích cực với đơn vị tư vấn lập, hoàn thiện quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết giao thông, thủy lợi nội đồng và đã được phê duyệt, hiện đang tiếp tục triển khai lập quy hoạch chi tiết khu trung tâm và điểm dân cư. Ðiều đặc biệt nữa là: mặc dù không được chọn là 1 trong 10 xã điểm của huyện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, nhưng cuối năm 2011, Hồng Quỳnh lại là xã đi tiên phong trong việc vận động nhân dân đồng lòng thực hiện, hoàn thành dồn điền đổi thửa, giao ruộng cho dân ngay trong tháng 11. Từ 3,28 thửa/hộ (sau dồn điền đổi thửa năm 2003), đến đợt dồn điền đổi thửa lần này bình quân mỗi hộ còn 1,73 thửa. Hàng ngàn người dân lại nô nức ra đồng, lao động hăng say, đến nay hoàn thiện đào đắp 100% tuyến bờ thửa, 50% tuyến bờ vùng theo đúng tiêu chí nông thôn mới.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Ngọc Trường, Trưởng thôn Bắc phấn khởi chia sẻ :”Nhận thức rõ xây dựng nông thôn mới là phục vụ lợi ích cho chính cộng đồng dân cư nên thời gian qua nhân dân Hồng Quỳnh rất tích cực tham gia. Minh chứng rõ nhất là trong lần chỉnh trang đồng ruộng năm 2009, xã thu định mức 92.000đ/sào trong 2 vụ nhưng nhân dân chỉ đóng hết trong 1 vụ. Còn đợt dồn điền đổi thửa lần này, cũng nhờ sự đồng thuận của nhân dân nên từ lúc gặt đến lúc giao ruộng chỉ thực hiện trong thời gian đúng 1 tháng…”. Cũng nhờ sự đồng thuận từ trong Ðảng đến nhân dân nên những năm qua, Ðảng bộ, chính quyền xã liên tục đạt danh hiệu TSVM, an ninh nông thôn và trật tự an toàn xã hội trên được bảo đảm, giữ vững địa bàn “trắng ma túy”.

 

Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng qua trao đổi, anh Thiết có rất nhiều băn khoăn: vừa qua xã đã tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng lập đề án xây dựng nông thôn mới, tính toán nguồn vốn, khả năng huy động và thấy rằng lộ trình để địa phương trở thành xã nông thôn mới còn rất nhiều khó khăn.

 

Theo đánh giá, đến nay Hồng Quỳnh mới đạt 5 tiêu chí: điện, bưu điện, y tế, hệ thống chính trị, hình thức tổ chức sản xuất và tất cả đều là những tiêu chí đã hoàn thành trước khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia. 3 trường học của địa phương dù đã được đầu tư xây dựng nhưng đều thiếu phòng chức năng, nhà công vụ, sân chơi, bãi tập và hiện tại mới có 1 trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia. Ðường giao thông trong thôn xóm mặc dù cơ bản đã được cứng hoá nhưng nhiều đoạn chưa đủ bề rộng theo quy chuẩn. Toàn xã còn 1km ngõ, toàn bộ tuyến đường giao thông nội đồng là đường đất; mới có 735m/17,835km kênh mương được cứng hoá, hệ thống cống đập-trạm bơm xuống cấp, sông ngòi bị bồi lắng phục vụ sản xuất khó khăn. 3/4 nhà văn hoá thôn, trụ sở UBND xã và nhà văn hoá xã đã xuống cấp nghiêm trọng cần đầu tư xây dựng…

 

Theo tính toán của BCÐ xây dựng nông thôn mới xã, tổng nhu cầu nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới của Hồng Quỳnh hơn 51 tỷ đồng. Nếu so sánh con số này với nhiều xã khác thì lượng chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 nhưng thực tế địa phương đang rất lúng túng, chưa biết tìm nguồn đâu ra. Bởi xây dựng nông thôn mới phải dựa vào sức dân là chính, Nhà nước chỉ hỗ trợ 1 phần nhưng với xã thuần nông, đặc biệt khó khăn như Hồng Quỳnh, sức dân có hạn, nguồn huy động những năm qua thực sự là cả một nỗ lực, cố gắng lớn. Nhiều nơi, hi vọng vào nguồn đấu giá đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, tuy nhiên do vị trí địa lý ở vùng sâu, vùng xa, quỹ đất hạn hẹp, từ khi tỉnh có Quyết định 372 đến nay địa phương chưa đấu được một lô đất nào nên cũng khó hy vọng vào nguồn này. Trong điều kiện “khó chồng khó” như vậy, ngoài sự nỗ lực của chính bản thân người dân, địa phương mong muốn Nhà nước có cơ chế hỗ trợ đặc thù để giúp Hồng Quỳnh trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt với những tiêu chí: đường giao thông trong thôn, xóm, hệ thống trường học cần hỗ trợ thêm một phần là có thể hoàn thành.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày