Thứ 5, 14/11/2024, 14:01[GMT+7]

Điểm nhấn - lần đầu

Thứ 2, 20/11/2017 | 10:42:18
531 lượt xem
Hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc Bộ năm 2017 có nhiều đổi mới cả về quy mô, hình thức tổ chức hoạt động song điểm nhấn ấn tượng nhất là lần đầu tiên xuất hiện chương trình giao lưu văn hóa và các trò chơi dân gian của bà con quê lúa trong khuôn khổ của hội chợ, tạo ra sân chơi bổ ích, được các du khách trong và ngoài tỉnh đánh giá cao.

Trò chơi xích đu bằng tre tại hội chợ.

Chưa bao giờ trên sân khấu của hội chợ lại sôi động với các diễn viên không chuyên đến từ thôn làng của các huyện nhiều như lần này. Mọi người ai nấy đều vui mừng vì đây là lần đầu tiên được đi diễn ở kỳ hội chợ lớn của tỉnh. Còn đối với du khách thì đây cũng là lần đầu tiên được xem các trò chơi dân gian, được hòa mình, thử sức vào các trò chơi vô cùng độc đáo. 

Ông Phạm Văn Hợp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong khuôn khổ của hội chợ năm nay, ban tổ chức quyết định đưa chương trình giao lưu văn hóa và các trò chơi dân gian của bà con trong tỉnh đến biểu diễn nhằm giới thiệu nét đẹp văn hóa, tạo không khí vui tươi phấn khởi cho khách hàng tới tham quan, mua sắm như tiết mục múa sanh tuyền, múa bát dật, chơi pháo đất, đi cà kheo... Đặc biệt, các tiết mục đều do chính các “nghệ sĩ nông dân” ở các huyện biểu diễn nên đã mang đậm bản sắc của người dân quê lúa, được nhiều người dân trông chờ.

Trò chơi pháo đất thu hút nhiều người quan tâm.

Khởi đầu cho chương trình là tiết mục múa sanh tuyền đến từ xã An Khê (Quỳnh Phụ) đã choáng ngợp cả sân khấu với 40 người tham gia khiến không ai rời được mắt bởi sự uyển chuyển, mượt mà, sắc nét trong từng làn điệu. Từ các cháu học sinh tới các chị nông dân tham gia vào điệu múa với đa dạng các trang phục mang bản sắc của các dân tộc đã tạo nên màn múa đặc biệt nhất từ trước tới nay trong các kỳ hội chợ. 

Bà Nguyễn Thị Nhân, trưởng đoàn múa sanh tuyền, bát dật xã An Khê cho biết: Ý nghĩa trọng tâm của làn điệu này là cầu cho đất nước được hòa bình, muôn dân thịnh vượng, nhà nhà yên vui. Do yêu văn hóa, yêu quê hương không muốn mất đi nét đẹp của làng mình nên nhiều năm qua bà đã lưu truyền lại điệu múa đặc biệt này bằng cách tự thành lập đội múa. Mặc dù bước đầu có nhiều khó khăn song đến nay bà đã lưu truyền thành công cho 3 thế hệ của làng và đặc biệt đội ca múa đã được mời đi biểu diễn khắp nơi ở trong và ngoài tỉnh, ở Thủ đô Hà Nội.

Có lẽ tiết mục cuốn hút được nhiều người trong hội chợ tham gia nhất là trò chơi pháo đất, đập niêu và xích đu. Với không gian rộng lớn, các trò chơi diễn ra trong cùng một lúc khiến bầu không khí trong hội chợ sôi động hơn nhiều so với ngày thường. 

Với tinh thần biểu diễn quảng bá trò chơi là chính, các pháo thủ ở thôn Phạm, xã Phú Châu (Đông Hưng) đã huy động hàng chục người tham gia từ 32 tuổi tới trên 70 tuổi. Theo các pháo thủ, pháo đất là trò chơi dân gian nên có rất nhiều kiểu chơi, mỗi nơi đánh một kiểu nhưng với trình độ cao siêu của các “nghệ sĩ nông dân” ở Phú Châu lại có kiểu đánh pháo khác biệt đó là đánh pháo trên hay còn gọi là bắt pháo trên tay. Trước đây trò chơi này chỉ được tổ chức vào tháng 3, tháng 4 âm lịch khi lúa bắt đầu trỗ bông đến khi lúa chín nhưng nay đã trở thành phong trào lớn nên có thể đánh pháo quanh năm bằng nhiều hình thức giao lưu, phục vụ lễ hội, hoặc đi biểu diễn. Tuy nhiên, đối với các tay chơi trong làng, chỉ khi nào pháo ra càng thẳng càng nhiều thì mới chiến thắng. Cũng vì thế mà đội pháo của thôn Phạm đã không ngừng nhận được những tràng pháo tay của những người tham gia hội chợ.

Người dân Thụy Hải hướng dẫn du khách đi cà kheo trong hội chợ.

Mặc dù các tiết mục được diễn ra trong một buổi chiều song đây là nét mới để lại ấn tượng nhất trong lòng du khách. Theo ban tổ chức hội chợ, các năm tiếp theo sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa các chương trình giao lưu văn hóa và các trò chơi dân gian vào nhiều hơn, đậm nét hơn.

Một số kết quả của hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc Bộ năm 2017

+ Thu hút gần 30.000 lượt người tới tham quan, mua sắm+ Có 60 hợp đồng được ký kết tại hội chợ+ Doanh thu ước đạt gần 30 tỷ đồng



Ông Phạm Xuân Quế, cựu chủ nhiệm câu lạc bộ pháo đất thôn Phạm, xã Phú Châu (Đông Hưng)

Tôi rất vui mừng và phấn khởi bởi lần đầu tiên được tham gia biểu diễn ở hội chợ của tỉnh, do đó sẽ đem đến cho các du khách những màn pháo đất nổ to nhất, vui nhất. Theo tôi đây là môn chơi rất hay, mang tính chất cổ truyền của dân tộc nên cần phải gìn giữ và phát huy. Từ ý nghĩ đó, năm 2010 tôi đã thành lập câu lạc bộ pháo đất ở thôn và đã đi tham gia giao lưu, biểu diễn ở rất nhiều nơi trên tinh thần vui là chính, ham mê, yêu phong trào.


Anh Tạ Ngọc Tuấn, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thụy Hải (Thái Thụy)

Tôi đã cử hai thành viên trong làng có kinh nghiệm đi cà kheo tới hội chợ để biểu diễn và hướng dẫn bà con tập luyện nhằm mục đích để quảng bá trò chơi và mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm, bảo tồn, giữ gìn trò chơi truyền thống của người dân địa phương. Điều đặc biệt ở trò chơi này là cà kheo đi biển phục vụ cho sản xuất, khai thác có từ thời xa xưa để lại và lưu truyền tới ngày nay với trên 200 người ở địa phương biết sử dụng để sản xuất và lưu diễn.


Em Đỗ Thị Dáng, lớp 8C, Trường THCS An Khê (Quỳnh Phụ)

Là thế hệ trẻ của địa phương, sau mỗi giờ tan học em đều có ý thức tập trung về đình làng để được các bà, các bác dạy các làn điệu múa cổ truyền. Đây vừa là sở trường của em vừa để xua tan sự mệt mỏi sau những giờ học căng thẳng và cũng để giữ gìn nét văn hóa truyền thống của địa phương. Đến nay tất cả các làn điệu em đều nhuần nhuyễn và đã có thể gọi là “nghệ sĩ tí hon” của làng. Đây là lần thứ ba em được đi biểu diễn và cũng là lần đầu tiên đến với hội chợ, do đó em cảm thấy rất vinh dự và tự hào.


Thu Thủy