Chủ nhật, 24/11/2024, 08:36[GMT+7]

Hệ lụy khi lạm dụng thuốc diệt trừ cỏ

Thứ 2, 04/12/2017 | 08:03:35
2,211 lượt xem
Đã từ lâu, trên đồng ruộng không còn hình ảnh người nông dân sục bùn, làm cỏ khi lúa mới cấy bởi họ chuyển sang sử dụng thuốc diệt trừ cỏ để giảm thiểu công lao động. Việc lạm dụng hóa chất này hiện đang có chiều hướng gia tăng, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực.

Nông dân lạm dụng thuốc diệt trừ cỏ để vệ sinh đồng ruộng nhằm giảm công lao động.

Gia đình bà Dương Thị Thu (thành phố Thái Bình) có mảnh vườn 5 sào trồng rau theo mùa vụ. Trước đây, để ngăn cỏ mọc quanh vườn, bà Thu dùng liềm, cuốc cắt, vạc nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, mỗi khi cỏ lên cao bà Thu lại phun thuốc trừ cỏ. 

Theo bà Thu: Do vừa trông cháu vừa trông nom vườn, không có nhiều thời gian để làm cỏ theo cách thủ công truyền thống, mỗi khi cỏ mọc cao tôi lại sử dụng thuốc trừ cỏ, vừa nhanh gọn, không mất nhiều chi phí, hơn nữa cỏ không mọc lại nhanh như khi cắt, vạc. Đối với cấy lúa, bà Thu cũng trộn thuốc trừ cỏ với cát hoặc pha với nước phun trên ruộng sau cấy vài ngày thay vì làm cỏ, sục bùn như trước.

Không chỉ trong sản xuất, tình trạng lạm dụng thuốc diệt cỏ trong việc làm sạch cỏ, cây ở bờ kênh, mương, bờ ao, bờ sông, bờ ruộng, vỉa hè các trục đường giao thông cũng thường xuyên xuất hiện. Để dòng chảy thông thoáng, thuốc diệt cỏ cũng được sử dụng để trừ bèo, cỏ dại trên các tuyến kênh, mương. Trong đó có một số loại thuốc diệt trừ cỏ có hoạt chất 2.4D và Paraquat là chất cực độc đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấm nhập khẩu và sản xuất từ ngày 17/2/2017. Việc sử dụng thuốc diệt trừ cỏ tràn lan ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng, trước tiên là người trực tiếp sử dụng. Khi phun trên kênh, mương, hoạt chất lan theo nước, tích tụ trong động vật thủy sinh. Khi con người ăn thịt động vật này cơ thể sẽ nhiễm hóa chất. Đặc biệt, thuốc diệt trừ cỏ có hoạt chất Paraquat là loại cực độc, có thời gian cách ly dài, chỉ hấp thu qua cây trồng một tỷ lệ nhỏ, còn lại thấm vào đất, hòa vào nước. Thuốc trừ cỏ còn tiêu diệt những thiên địch có ích, gây mất cân bằng sinh thái. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sâu bệnh hại trên cây trồng ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng mức độ gây hại.

 Bà Phạm Thị Quy, xã Quỳnh Trang (Quỳnh Phụ) cho biết: Nhìn dòng sông đặc kín bèo bồng bị phun thuốc diệt trừ cỏ chuyển màu vàng úa khiến tôi không khỏi ám ảnh về chất độc Điôxin. Rất mong các cấp, các ngành có biện pháp hữu hiệu trong sản xuất để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe người dân.

Thuốc diệt trừ cỏ được phun để diệt bèo bồng, khơi thông dòng chảy.

Để quản lý hoạt động kinh doanh và sử dụng thuốc diệt trừ cỏ trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, giảm thiểu tác động xấu của thuốc diệt cỏ đến sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đến các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn hạn chế tối đa sử dụng thuốc diệt trừ cỏ, khuyến khích sử dụng các biện pháp khác thay thế; tác hại của thuốc diệt trừ cỏ không rõ nguồn gốc, dùng thuốc trừ cỏ không theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng nồng độ, đúng lúc và đúng cách). Đặc biệt, nghiêm cấm việc sử dụng thuốc diệt trừ cỏ để làm sạch cỏ, cây ở bờ kênh, mương, bờ ao, bờ ruộng, vỉa hè… Rà soát, kiểm tra việc mua bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nói chung, thuốc diệt trừ cỏ nói riêng; kiên quyết xử lý những cơ sở, cá nhân kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt trừ cỏ sau sử dụng theo đúng quy định.

Để chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân, các địa phương đang tiến hành cày lật đất, làm thủy lợi nội đồng, trong đó chú trọng phát dọn cỏ kênh, mương, khơi thông dòng chảy trên các hệ thống tưới, tiêu. Một trong những cách tuyên truyền hiệu quả chính là nêu cao vai trò của các đoàn thể cơ sở trong việc tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, nâng cao trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của bản thân, cộng đồng.

Trong các sản phẩm 2.4D dùng làm thuốc trừ cỏ có chứa một lượng chất Chlorophenol không được tổng hợp hết gọi là phenol tự do. Chlorophenol tồn tại tương đối lâu và có thể chuyển hóa thành chất Điôxin. Chất Điôxin có khả năng kích thích tế bào ung thư phát triển, gây đột biến tế bào và dị dạng cơ thể người và động vật máu nóng, từng là nỗi ám ảnh dai dẳng trong cuộc chiến tranh Việt Nam mà đế quốc Mỹ từng sử dụng.


Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày