Chủ nhật, 10/11/2024, 09:24[GMT+7]

Hiệu quả mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt liên xã

Thứ 6, 08/12/2017 | 08:44:30
1,332 lượt xem
Việc xử lý rác thải sinh hoạt theo mô hình lò đốt liên xã đã và đang được nhiều địa phương áp dụng bởi có ưu điểm vượt trội so với xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp. Mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt liên kết 3 xã: Thái Thượng, Thái Nguyên, Thái Hòa, huyện Thái Thụy đặt tại xã Thái Thượng tuy mới đi vào hoạt động gần 8 tháng nhưng đã phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.

Các tổ thu gom rác thải xã Thái Thượng hoạt động hiệu quả.

Những năm gần đây, khi đời sống của người dân được nâng cao thì nhu cầu tiêu dùng gia tăng khiến lượng rác thải sinh hoạt tại các làng quê cũng tăng đột biến. Cùng với đó, tình trạng xả rác bừa bãi của người dân ra môi trường xung quanh như bờ ao, kênh mương, bãi đất trống đã làm hình thành nhiều bãi rác tự phát, không bảo đảm vệ sinh môi trường, mất mỹ quan nông thôn. 

Cũng như nhiều địa phương khác, những năm gần đây, ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt trở thành nỗi lo của cấp ủy, chính quyền xã Thái Thượng. Tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, một trong những kiến nghị, bức xúc thường xuyên được người dân đưa ra là giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải. 

Ông Đỗ Khắc Bằng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Công tác thu gom rác thải được địa phương triển khai hiệu quả từ nhiều năm nay. Hàng năm, UBND xã đều triển khai đề án thu gom, xử lý rác thải và thống nhất mức phí thu gom rác thải sinh hoạt của người dân. Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường thông qua các lớp tập huấn, hướng dẫn mọi người giữ gìn vệ sinh trong nhà, ngoài ngõ. 8/8 thôn đều thành lập tổ thu gom rác thải. Để bảo đảm cho tổ thu gom rác thải duy trì hoạt động thường xuyên, UBND xã hỗ trợ tiền mua xe chở rác, chổi quét, cuốc, xẻng và dụng cụ bảo hộ lao động... Tuy nhiên, do lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn trong khi mỗi thôn đều có một bãi rác nằm gần khu dân cư, với quy mô nhỏ, xử lý bằng hình thức chôn lấp nên những ngày trời mưa mùi hôi thối bốc lên nồng nặc gây bức xúc trong nhân dân.

Trước những bức xúc của người dân và để khắc phục tình trạng trên, UBND xã Thái Thượng đã phối hợp với UBND hai xã Thái Hòa, Thái Nguyên tổ chức theo mô hình liên kết quy hoạch, đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt đặt tại xã Thái Thượng, diện tích 5.500m2, công suất 700kg rác/giờ, 16 tấn rác/ngày. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 4 tỷ đồng trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 1,5 tỷ đồng, còn lại là ngân sách của các xã. Lò đốt rác được thiết kế nhỏ, gọn, gồm hai buồng đốt, sử dụng công nghệ đốt lấy khí tự nhiên không cần bổ sung nhiên liệu. Rác đưa vào lò trên hệ thống băng chuyền, sau đó được sấy trước khi đốt. Theo quy trình thì lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày sẽ được thu gom, vận chuyển về khu tập kết của lò đốt nhằm tránh hiện tượng rác thải phát tán gây ô nhiễm môi trường. Hàng ngày, nhân viên phụ trách môi trường sẽ tiến hành phân loại rác. 

Ông Đinh Khắc Hiếu, nhân viên vận hành lò đốt rác cho biết: Từ khi lò đốt rác thải sinh hoạt đi vào hoạt động, rác thải được xử lý triệt để, tình trạng ô nhiễm môi trường giảm hẳn do rác thu đến đâu đốt hết đến đó. Hơn nữa, lượng khói thải ra ngoài không khí ít và cách xa khu dân cư trên 500m nên không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. 

Còn theo bà Đặng Thị Tốt, người dân thôn Các Đông, xã Thái Thượng, từ khi có lò đốt rác, rác thải được thu gom và xử lý triệt để, tình trạng ô nhiễm môi trường giảm. Hơn nữa, lượng khói thải ra ngoài không khí ít nên không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thái Thụy chia sẻ: Khu xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ lò đốt liên xã đã phát huy hiệu quả, phù hợp với thực tiễn địa phương, góp phần tiết kiệm quỹ đất, kinh phí đầu tư xây dựng, cơ bản xử lý triệt để lượng rác thải phát sinh. Tuy nhiên, để duy trì và nhân rộng mô hình xử lý rác thải theo hình thức lò đốt liên xã thì ý thức, trách nhiệm của người dân các địa phương phải cao, không chỉ là trách nhiệm của xã đặt lò đốt rác.

Đức Dũng