Chủ nhật, 24/11/2024, 03:09[GMT+7]

Trọn nghĩa tri ân, vẹn tình đồng đội

Thứ 3, 02/01/2018 | 08:54:32
1,035 lượt xem
Sau 15 ngày tích cực, khẩn trương, đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của Bộ CHQS tỉnh đã tìm kiếm, cất bốc và quy tập được 24 hài cốt, trong đó phát hiện mới 13 hài cốt, quy tập 11 hài cốt từ nghĩa trang nhân dân thôn Bích Du.

Lực lượng vũ trang tỉnh tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

“Ở mỗi miền quê trên đất nước Việt Nam vẫn còn những gia đình, người vợ, người mẹ mong mỏi tìm được hài cốt của người thân đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Chính nỗi day dứt đó đã thôi thúc cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh khắc phục mọi khó khăn, làm tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đưa các anh trở về với đồng đội sau 65 năm xa cách” - Đại tá Nguyễn Huy Tuân, Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, người chỉ huy đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận chống càn Méc-quya chia sẻ với chúng tôi.

Nhắc lại những kỷ niệm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Trung đoàn 48, Đại đoàn 320 hy sinh tháng 3/1952 trên địa bàn xã Thái Thượng (Thái Thụy), ai cũng nhớ nhất giây phút thiêng liêng tìm được những hài cốt liệt sĩ đầu tiên. Như có một sợi dây linh thiêng vô hình, đúng 9 giờ 30 phút sáng ngày 13/12/2017, sau 1 ngày ra quân tìm kiếm ở hai khu vực đều đồng loạt phát hiện hài cốt liệt sĩ. Tổng số hài cốt được tìm thấy trong ngày hôm đó là 8 hài cốt, trong đó khu vực vườn nhà bà Phạm Thị Chắt, thôn Bạch Đằng phát hiện 1 hài cốt 7 hài cốt còn lại được phát hiện tại khu vực cánh đồng ven nghĩa trang nhân dân thôn Bích Du. 

Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh, Trợ lý Chính sách, Bộ CHQS tỉnh kể lại: Khi “gặp” được các bác, chúng tôi không cầm được nước mắt. Điều trăn trở nhất đối với những người tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là chưa thể biết được danh tính liệt sĩ. Dù vậy, chỉ tìm được một di vật, một mẩu xương nhưng đó cũng là niềm an ủi lớn với chúng tôi.

Sau 15 ngày tích cực, khẩn trương, đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của Bộ CHQS tỉnh đã tìm kiếm, cất bốc và quy tập được 24 hài cốt, trong đó phát hiện mới 13 hài cốt, quy tập 11 hài cốt từ nghĩa trang nhân dân thôn Bích Du. Ngay sau khi kết thúc đợt tìm kiếm, quy tập, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức trọng thể lễ cầu siêu, lễ truy điệu, an táng hài cốt các liệt sĩ. Ngày hôm đó Thái Thụy có mưa, mưa rơi như tiễn các liệt sĩ về yên nghỉ trong tình yêu thương vô hạn của đồng đội, đồng bào. 

Bà Nguyễn Thị Thuyên, 77 tuổi, thôn Nam Sơn, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (thành phố Hà Nội), thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệp có mặt tại lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ Trung đoàn 48, Đại đoàn 320 xúc động cho biết: Nhờ cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Bình mà tôi và gia đình có cơ hội được trở về nơi cách đây 65 năm chú tôi và đồng đội đã chiến đấu và anh dũng hy sinh. Tôi thấy đây là việc làm nhân văn cao cả, an ủi phần nào nỗi mất mát, đau thương của chúng tôi. Tôi và thân nhân các liệt sĩ mong muốn sớm có kết quả xác định danh tính các liệt sĩ.

Ông Phạm Huy Dũng, người trông coi nghĩa trang liệt sĩ xã Thái Thượng tâm sự: Lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ được tổ chức quy mô, trang trọng, xứng đáng với sự hy sinh của các liệt sĩ vì độc lập, tự do của dân tộc. Ý nghĩa hơn khi địa phương tổ chức đúng dịp kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, hương khói phần mộ các liệt sĩ để phần nào an ủi anh linh các anh, yên lòng thân nhân các liệt sĩ.

Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1

Trận càn Méc-quya, tên Việt Nam là Thủy Ngân của thực dân Pháp tháng 3/1952 nhằm đánh bật Trung đoàn 48 và Trung đoàn 52 của Đại đoàn 320. Khi đó, Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh kiêm Chính ủy Đại đoàn và đồng chí Đỗ Mười, Chính ủy Quân khu 3 trực tiếp chỉ huy đánh địch trong trận càn này. Sau nhiều ngày địch không càn được trước sự dũng cảm, ngoan cường của cán bộ, chiến sĩ ta, chúng cho máy bay ồ ạt ném bom, nã đại bác từ tàu biển vào bờ nhưng bộ binh của địch vẫn không tiến được nên chúng đành rút quân. Trận đánh ở làng Bích Du là trận đánh ác liệt nhất khiến bộ đội, dân quân, du kích của ta thương vong nhiều. Do nước triều dâng nên nhiều thi hài bộ đội ta không lấy được và bị vùi lấp... Sau 65 năm, Thái Bình tiếp tục tổ chức tìm kiếm, cất bốc được thêm những đồng đội tôi, tôi thấy đây là việc làm ân huệ vô cùng. Chúng tôi, những người lính Đại đoàn 320 năm xưa đã coi Thái Bình là quê hương thứ hai bởi nơi đây mãi còn đồng đội chúng tôi yên nghỉ. Khi được tin tỉnh tổ chức lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ Trung đoàn 48, chúng tôi đã về đây để tiễn đưa đồng đội về nơi yên nghỉ cuối cùng.
.
Đại tá Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 3

Trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Thái Bình là một trong những tỉnh cống hiến nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến, cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Sau chiến tranh, các chính sách đối với người và gia đình có công, chính sách an sinh xã hội được các cấp, các ngành thực hiện kịp thời, đầy đủ. Cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận chống càn Méc-quya chính là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa Đề án 1237. Từ cuộc tìm kiếm này, địa phương sẽ có nhiều kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của tỉnh trong những năm tới.

Ông Thân Văn Chế, 82 tuổi, xã Hoa Lư (Đông Hưng), thân nhân liệt sĩ Đào Quốc Luyện

Niềm mong mỏi của gia đình tôi bao nhiêu năm nay là tìm thấy hài cốt của anh để đưa về quê hương nhưng chiến tranh đã lùi xa, 65 năm, xương cốt, di vật của các anh cũng hòa vào lòng đất. Nhưng chúng tôi vẫn luôn có một niềm tin, trong số hài cốt được Bộ CHQS tỉnh tìm kiếm, quy tập được sẽ có hài cốt của anh Luyện. Tôi mong muốn cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, nhất là triển khai các đợt tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở các khu vực, địa bàn trong và ngoài tỉnh để những người con ưu tú của quê hương sớm được trở về.

Thiên Ân - Tiến Đạt