Mê Linh: Duy trì nghề cũ, du nhập nghề mới
Những năm qua, xã Mê Linh (Đông Hưng) luôn chú trọng duy trì nghề truyền thống, du nhập thêm một số nghề mới phù hợp với nhu cầu của thị trường. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội của xã có bước phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên.
Ông Nguyễn Hoàng Lung, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Mê Linh từ lâu nổi tiếng với nghề làm dũa cưa, cán rút thép, làm cạm chuột, thu hút hơn 1.500 lao động tham gia. Nghề truyền thống này cùng với hàng chục ngành nghề khác như mộc, mây tre đan xuất khẩu, thêu ren… hàng năm đem lại cho xã nguồn thu lớn. Năm 2004, UBND tỉnh công nhận Mê Linh là xã đa nghề. Song các nghề truyền thống làm dũa cưa, cán rút thép sản xuất thủ công là chủ yếu, sức cạnh tranh yếu, do đó khoảng 20 hộ có điều kiện đã mạnh dạn mua máy móc hiện đại về sản xuất để giảm công lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Hàng chục hộ khác không có điều kiện đầu tư máy móc nhận nguyên liệu của các cơ sở sản xuất lớn về làm các công đoạn phụ. Một số hộ lại chủ động du nhập nghề mới về làm.
Việc các hộ chuyển đổi từ thủ công sang sản xuất bằng máy móc hiện đại, tập trung, quy mô lớn không chỉ giúp nghề truyền thống của xã không bị mai một mà còn tăng về số lượng, chất lượng các loại sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sang các nước Lào, Campuchia, đặc biệt là giá trị thu nhập của làng nghề vẫn giữ ổn định.
Ông Nghiêm Đăng Tòng, thôn An Vĩnh, xã Mê Linh cho biết: Gia đình đã gắn bó và mưu sinh bằng nghề cán rút thép và làm cạm chuột truyền thống hơn 30 năm nay. Lúc đầu chỉ làm nghề lúc nông nhàn và làm thủ công, vài năm gần đây gia đình đã đầu tư 50 - 60 triệu đồng mua máy cán rút thép về làm nghề, tạo việc làm cho 5 - 6 lao động tại xưởng và hàng chục lao động vệ tinh. Mỗi năm doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng. Hiện sản phẩm làm ra không đủ cung ứng cho thị trường, thời gian tới gia đình dự kiến sẽ mở rộng cơ sở để nâng công suất, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động.
Bên cạnh việc duy trì, phát triển nghề truyền thống, nhiều hộ dân trong xã còn mạnh dạn du nhập nhiều nghề mới như may túi xuất khẩu, may quần áo, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ... Hiện nay Mê Linh có 31 nghề, trong đó gần chục nghề mới với hơn 500 hộ tham gia sản xuất, trong đó hơn 30 hộ đã thành lập doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và 1 Công ty TNHH May Trường Sơn Thịnh (cụm công nghiệp Mê Linh), giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động, thu nhập từ 1,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Văn Linh, chủ cơ sở may túi xuất khẩu thôn Đầm cho biết: Hiện cơ sở có gần 30 máy may, giải quyết việc làm cho 30 người, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Một tháng cơ sở sản xuất được 100.000 chiếc túi bằng chất liệu tự hủy thân thiện với môi trường. Với mong muốn tạo việc làm cho ngày càng nhiều người, nhất là những người không có điều kiện đi làm tại công ty nên bất cứ ai có nhu cầu vợ chồng ông Linh đều tiếp nhận, dạy nghề miễn phí, mua máy may về cho họ mượn để cùng phát triển nghề. Cùng với nghề may túi, nghề may quần áo gia công cũng mới được du nhập. Toàn xã hiện có gần chục cơ sở may gia công quần áo, doanh thu năm 2017 đạt trên 10 tỷ đồng.
Nhờ đẩy mạnh phát triển các ngành nghề đã góp phần đưa tổng giá trị sản xuất của Mê Linh năm 2017 đạt 298.708 triệu đồng, tăng 9% so với năm 2016; trong đó, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 144.350 triệu đồng, tăng 4,1% so với năm 2016. Hiện nay, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản đã chiếm gần 50% cơ cấu kinh tế của xã, góp phần nâng thu nhập bình quân từ 29,6 triệu đồng/người/năm 2016 lên 33 triệu đồng/người/năm 2017.
Thời gian tới, Mê Linh tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân duy trì, phát triển nghề truyền thống, du nhập nghề mới, đầu tư máy móc, cải tiến mẫu mã để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở đào tạo nghề cho lao động địa phương; tạo điều kiện về đất đai cho các cơ sở mở rộng nhà xưởng. Tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từng bước giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển bền vững làng nghề.
Thu Hiền
Tin cùng chuyên mục
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
- Những người dệt mùa xuân 18.01.2023 | 20:39 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng