Thứ 7, 23/11/2024, 20:32[GMT+7]

Hương trầm Tam Bảo

Thứ 2, 15/01/2018 | 08:51:02
3,968 lượt xem
Tết về trăm hoa đua nở, nào bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ, nào trẻ thơ khoe áo mới đi chúc tết ông bà… Từ xưa đến nay, trong tập tục nét đẹp văn hóa thờ cúng tổ tiên của nhân dân ta đều có nghi lễ thắp hương. Nghề làm hương truyền thống ở thôn Tam Bảo, xã Nam Hồng (Tiền Hải) đã mang lại hương vị thơm nồng ngày tết với sản phẩm của mình có mặt khắp mọi miền của đất nước.

Làm hương bằng máy tại thôn Tam Bảo, xã Nam Hồng (Tiền Hải).

Không phải tự nhiên nghề làm hương ở thôn Tam Bảo tồn tại lâu đến vậy. Tuy chỉ còn ít hộ làm hương nhưng có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nổi tiếng nhất của hương Tam Bảo phải kể đến loại hương trầm của các Phật tử chùa Thần Quang Tự. Sản xuất hương trầm nhìn thì thấy thật đơn giản nhưng để có được những nén hương khi đốt lên mùi nhẹ dịu, sâu lắng mà ấm áp lạ thường là cả sự kỳ công của người thợ. Sư thầy Thích Đàm Trí cho biết: Vào năm 1945, ni trưởng Thích Đàm Loan, quê Tây Phong về trụ trì tại chùa đã mang nghề làm hương truyền dạy cho các Phật tử. 

Ni trưởng là người rất ham học hỏi, thường giảng dạy cho người dân và các Phật tử phải sống lương thiện, chịu khó làm ăn, yêu quê hương, đất nước. Trước cảnh sản xuất nông nghiệp mất mùa quanh năm, người dân và các Phật tử trong thôn quanh năm lam lũ, ni trưởng đã truyền nghề làm hương cho các Phật tử để có nghề mưu sinh. Từ đó nghề làm hương thôn Tam Bảo đã duy trì cho đến ngày nay. Làm hương là công việc nhẹ nhàng không đòi hỏi nhiều sức khỏe nên từ các cụ già đến thanh thiếu niên đều có thể tham gia. Sản xuất hương phải qua nhiều công đoạn: chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế, nghiền rồi pha trộn nguyên liệu theo công thức riêng. Nguyên liệu làm hương thôn Tam Bảo có nguồn gốc từ thiên nhiên là chính gồm: cây trám, rễ hương bài, hoa ngâu…, không sử dụng chất hóa học vừa làm tổn hại đến sức khỏe của bản thân vừa không thể biểu đạt được lòng thành. Công đoạn pha chế nguyên liệu rất quan trọng nên chỉ những người có kinh nghiệm mới có thể làm được. 

Nguyên liệu được trộn đều theo tỷ lệ gia truyền, người làm hương cầm tăm hương vê vào bột dính rồi nhúng vào bột hương khô. Các công đoạn đều phải nhẹ nhàng để bột không vỡ, bám dính chắc vào chân hương. Dụng cụ se hương rất đơn giản gồm một mặt bàn phẳng và tay xoa làm bằng gỗ. Vì các công đoạn sản xuất hoàn toàn thủ công nên thợ phải tâm huyết với nghề, làm tốt từng công đoạn pha chế, se, nén… 

Nén hương làm xong được đem phơi trên những chiếc phên, nắng gió sẽ làm hương khô, màu sắc đẹp và giữ nguyên mùi thơm. Sản phẩm hương Tam Bảo thường là hương nén và hương sào. Hương nén có giá bán khoảng 30.000 đồng/100 nén, hương sào 35.000 đồng/1 chục. 

Bà Lưu Thị Duyên, thành phố Hải Phòng, năm nay đã ngoài 80 tuổi về thăm quê chia sẻ: Người Việt Nam dù nông thôn hay thành thị, dù nghèo khó hay khá giả, mỗi dịp xuân về đều thắp hương để tỏ lòng thành kính với tổ tiên dòng họ, cầu nguyện hạnh phúc an vui. Những ngày cuối năm, không ai quên mua những thẻ hương về để cúng gia tiên. Đêm giao thừa khi trời đất chuyển giao năm cũ và năm mới, nén hương thơm thắp trên bàn thờ gia tiên mời ông bà tổ tiên về ăn tết với con cháu là những điều mà mỗi người khắc ghi. 

Còn anh Nguyễn Quang Thơm, Thành phố Hồ Chí Minh là người kinh doanh thường xuyên nhập hương của thôn Tam Bảo cho biết: Mặc dù ở xa nhưng từ lâu đã nghe tiếng hương Tam Bảo do đó đã nhiều năm qua tôi đều lấy hàng về bán. Hương Tam Bảo có hương vị đặc trưng riêng, có ưu thế không gây hại cho sức khỏe con người do vậy được rất nhiều người tiêu dùng ưa thích.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày