Thứ 7, 23/11/2024, 21:46[GMT+7]

Đông Hưng: Giải tỏa vi phạm hành lang công trình thủy lợi khó khăn

Thứ 3, 30/01/2018 | 09:44:56
1,080 lượt xem
Qua rà soát, hiện nay trên tất cả các tuyến sông do Xí nghiệp KTCTTL huyện quản lý có 429 hộ vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Trong đó, từ năm 2015 trở về trước phát hiện 314 hộ, năm 2016 phát hiện 58 hộ, đến năm 2017 phát hiện 57 hộ vi phạm.

Xí nghiệp KTCTTL huyện Đông Hưng phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên KTCTTL Bắc Thái Bình huy động lực lượng, phương tiện giải tỏa dòng chảy.

Mặc dù đã được tuyên truyền, vận động nhưng hiện nay tình trạng vi phạm hành lang công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Đông Hưng vẫn diễn ra phổ biến và có chiều hướng gia tăng.

Trên các sông Tép, Sa Lung, Tiên Hưng, 217 thuộc địa phận các xã Hồng Châu, Hoa Lư, Hồng Việt, Đông Sơn đã và đang xảy ra tình trạng lấn chiếm đất lưu không, mái, lòng sông để xây nhà, làm lều quán, bến bãi làm thu hẹp lòng sông, gây ách tắc dòng chảy. Mặc dù những vi phạm này đã diễn ra từ lâu nhưng chưa được giải quyết triệt để, kể cả với các vi phạm phát sinh mới. Ngoài ra, trên sông Diêm Hộ, đoạn qua địa phận xã Đông Cường cũng xuất hiện nhiều hộ có hành vi vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi như tự ý cắm cọc tre xuống lòng sông, quây lưới cố định để nuôi cá gây cản trở dòng chảy. Những vi phạm trên không những làm thu hẹp mặt cắt lòng sông mà còn làm giảm khả năng tiêu thoát nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống lụt, bão, gây bồi lắng lòng sông.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) huyện Đông Hưng được Công ty TNHH Một thành viên KTCTTL Bắc Thái Bình giao nhiệm vụ quản lý 5 trạm bơm tưới, tiêu kết hợp, 6 cống dưới đê, 17 cống đập nội đồng và hơn 200km sông trục các loại. Qua rà soát, hiện nay trên tất cả các tuyến sông do Xí nghiệp KTCTTL huyện quản lý có 429 hộ vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Trong đó, từ năm 2015 trở về trước phát hiện 314 hộ, năm 2016 phát hiện 58 hộ, đến năm 2017 phát hiện 57 hộ vi phạm. Các hành vi vi phạm chủ yếu như làm lều quán, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, lán để xe trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Khi kiểm tra, phát hiện vi phạm, Xí nghiệp KTCTTL huyện đã lập văn bản đề nghị các địa phương xử lý, tuy nhiên đến nay tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phức tạp, có chiều hướng gia tăng, số vụ tồn đọng nhiều, vẫn phát sinh vi phạm mới.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Xí nghiệp KTCTTL huyện Đông Hưng cho biết: Tất cả các trường hợp vi phạm đều được Xí nghiệp lập biên bản gửi cho chính quyền địa phương xử lý. Tuy nhiên, kết quả đạt được rất thấp, thậm chí có nơi chính quyền cơ sở biết sai phạm nhưng vẫn không xử lý, giải tỏa, dẫn đến số vụ vi phạm tồn đọng nhiều. Việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thủy lợi cũng gặp rất nhiều khó khăn do không có lực lượng, phương tiện và chế tài đủ khả năng thực hiện khi đối tượng không thực hiện các quyết định xử phạt. Bên cạnh đó, do một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng quy định của pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi nên đã đổ chất thải xuống lòng sông, xây dựng nhà, lều quán trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND của UBND tỉnh về việc giải tỏa, chống lấn chiếm, sử dụng trái phép trong phạm vi hành lang công trình bảo vệ cầu, cống, đường thủy nội địa, công trình thủy lợi và đê điều, thời gian tới Xí nghiệp KTCTTL huyện đề nghị UBND các xã, thị trấn tích cực vào cuộc để phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý dứt điểm các vi phạm gây ách tắc, cản trở dòng chảy trên các sông trục. Trong đó, các địa phương cần tiếp tục rà soát, thống kê tình trạng vi phạm lấn chiếm, sử dụng trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình cầu, cống, đường thủy nội địa, công trình thủy lợi và đê điều thuộc địa bàn quản lý; lập kế hoạch giải tỏa đối với các trường hợp vi phạm; làm tốt công tác tuyên truyền và thông báo đến các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm để tự thu dỡ, di chuyển; đồng thời lập biên bản xử lý theo quy định và lập kế hoạch cưỡng chế giải tỏa với các trường hợp vi phạm mà không tự tháo dỡ, di chuyển. Bên cạnh đó, đề nghị các ngành chức năng cần tăng mức xử phạt cho chính quyền địa phương cấp xã, vì đây là cấp quản lý và trực tiếp xử lý các vi phạm ngay khi mới phát sinh, đồng thời có chế tài xử lý khi cấp xã không xử phạt theo thẩm quyền.

Phạm Hưng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày