Chủ nhật, 24/11/2024, 16:58[GMT+7]

Thái Thụy: Năng động kinh tế biển

Thứ 3, 27/02/2018 | 09:25:14
1,206 lượt xem
Phát huy tiềm năng, lợi thế thiên nhiên ban tặng, Thái Thụy đã và đang phát triển mạnh nghề khai thác gắn với nuôi trồng thủy sản. Giá trị sản xuất ngành thủy sản năm 2017 đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng 8,6%, góp phần đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Ngư dân Thái Thụy sau chuyến vươn khơi.

20 năm gắn bó với biển, ông Phạm Văn Thắng, xã Thái Đô có tới 4 tàu khai thác thủy sản. Song do công suất nhỏ, trước đây ông chỉ quẩn quanh với ngư trường ven bờ. Mạnh dạn lắm mới vươn tới tầm lộng. Thế nhưng, năm 2017, sau khi được tiếp nhận nguồn hỗ trợ 200 triệu đồng theo Quyết định số 16 của UBND tỉnh, ông Thắng có cơ hội nâng cấp công suất máy tàu từ 400CV lên 880CV, có thể vươn tới ngư trường vịnh Bắc Bộ và xa hơn nữa. Sản lượng khai thác gấp 1,5 - 2 lần so với trước. Từ nghề khai thác thủy sản, ông đã giải quyết việc làm cho 32 lao động với thu nhập bình quân từ 8 - 9 triệu đồng/người/tháng. 

Ông Thắng cho biết: Sự hỗ trợ của Nhà nước là niềm vui thúc đẩy bà con ngư dân hăng hái vươn khơi bám biển.

Đến nay, toàn huyện Thái Thụy có 535 tàu, thuyền với gần 1.800 lao động. Đón nhận cơ chế khuyến khích phát triển thủy sản của Nhà nước, bà con ngư dân mạnh dạn cải hoán, nâng cấp phương tiện, cải tiến ngư lưới cụ, bám biển làm giàu. Chỉ tính riêng năm 2017, toàn huyện đã hoàn thiện 4 tàu cá nghề lưới rê và chụp mực, 6 tàu cá được đóng mới và nâng cấp. Việc đóng mới, nâng cấp phương tiện đồng nghĩa với việc mở rộng ngư trường, khai thác có hiệu quả và góp phần hạn chế tình trạng khai thác tận diệt thủy sinh ven bờ. Cũng vì thế sản lượng khai thác thủy sản của huyện năm qua ước đạt gần 47.000 tấn, đạt 118% kế hoạch năm, tăng 12,5% so với năm 2016. 

Ông Lê Xuân Quy, Chủ tịch UBND thị trấn Diêm Điền trao đổi: Năm 2017, thị trấn Diêm Điền có bước phát triển mạnh về khai thác thủy sản. Thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ, Quyết định số 47 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều ngư dân có vốn đóng tàu. Năm qua, thị trấn phát triển thêm 10 tàu trong đó 3 tàu khai thác xa bờ. Thời tiết cũng có những thuận lợi nhất định, ngư dân tăng cường khai thác, nhiều phương tiện kỹ thuật được Nhà nước hỗ trợ do vậy sản lượng đạt hơn 12.000 tấn tôm, cá các loại, trị giá 66 tỷ đồng. Ngư dân cũng có những thay đổi về nhận thức, từ việc đánh lưới dã theo nghề truyền thống chuyển sang lưới chụp, lưới vây không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.

Lợi thế 27km bờ biển, 13.000ha bãi bồi, 4.000ha rừng ngập mặn đã và đang được các địa phương ở Thái Thụy tận dụng để phát triển nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản. Không chỉ nuôi các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá vược, cá song, cua biển, các hộ nuôi trồng thủy sản nước lợ còn tận dụng nguồn rong câu, thu hoạch hàng trăm tấn mỗi năm. Thay vì phương thức nuôi quảng canh và bán thâm canh thủy sản như trước, nay nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi tôm công nghiệp và nuôi tôm công nghệ cao. 

Anh Nguyễn Xuân Xứ, thôn Bích Du, xã Thái Thượng cho biết: Hiệu quả của nuôi tôm công nghệ cao so với nuôi tôm công nghiệp như trước kia mật độ thường gấp 3 lần. Như trước kia tôi nuôi công nghiệp thì cũng phải lắp 4 giàn quạt, giờ nuôi công nghệ cao chỉ cần bổ sung thêm giàn quạt nên giảm chi phí đi rất nhiều.

Với hướng đi đúng, cách làm hiệu quả, năm qua, diện tích nuôi tôm công nghệ cao toàn huyện phát triển tới 34ha. Áp dụng phương thức này, từ chỗ nuôi 1 - 2 vụ/năm, nay tăng lên 4 - 5 vụ/năm, lợi nhuận từ 2 - 3 tỷ đồng. Ông Phạm Văn Đồi, cán bộ nông lâm thủy sản xã Thái Thượng khẳng định: Năm 2017 thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng lớn đến nuôi trồng thủy sản. Trước tình hình đó, xã đã nạo vét trục sông tiêu để xử lý môi trường. Với nỗ lực của các hộ nuôi, đặc biệt những hộ nuôi công nghệ cao gặt hái được nhiều kết quả. Tổng thu trên 100 tấn tôm thẻ, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Không chỉ khai thác tiềm năng  thiên nhiên ban tặng, người dân Thái Thụy còn ý thức hơn với trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp nhân dân phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả nguồn lợi từ biển, từ rừng ngập mặn và hình thành thêm các đầm nước lợ nuôi trồng thủy sản, không để lãng phí nguồn tài nguyên quý giá. 

Ông Lê Văn Hoan, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Năm 2018, Phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện chỉ đạo thực hiện đề án phát triển nuôi tôm nước lợ, mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao. Đây là một trong những đề án mang lại hiệu quả, hạn chế rủi ro trong dịch bệnh, thiên tai, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích vùng nuôi. Đối với khai thác thủy sản, huyện tiếp tục triển khai một số chính sách đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu, thuyền để bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Những kết quả đạt được là động lực quan trọng đưa kinh tế biển Thái Thụy phát triển toàn diện. Mục tiêu hướng ra biển, đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã và đang trở thành hiện thực.

Hoàng Hương

(Đài TTTH Thái Thụy)