Chủ nhật, 24/11/2024, 02:13[GMT+7]

Đông Quý: Chăm sóc, bảo vệ lúa xuân

Thứ 2, 02/04/2018 | 09:13:22
559 lượt xem
Vụ xuân năm 2018, xã Đông Quý (Tiền Hải) gieo cấy 280ha, trong đó giống Bắc thơm 7 chiếm 90% diện tích, còn lại là TBR-1 và nếp các loại. Thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa trên địa bàn xã phát triển tốt, đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ.

Nông dân Đông Quý phun thuốc phòng, trừ rầy lưng trắng.

Phấn đấu giành thắng lợi sản xuất vụ xuân, xã Đông Quý đang chỉ đạo cán bộ chuyên môn tập trung hướng dẫn nông dân chăm sóc, thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện, chủ động các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh hại không để phát sinh ra diện rộng. Ông Vũ Ngọc Xuyền, Ủy viên Hội đồng quản trị HTX SXKD DVNN xã Đông Quý cho biết: Vụ mùa năm 2017, Đông Quý là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng do bệnh lùn sọc đen gây ra, trong đó có khoảng 31ha lúa mùa mất trắng, 50ha ảnh hưởng từ 30 - 70% diện tích. Vì vậy, ở vụ xuân này, HTX chỉ đạo nông dân làm tốt ngay từ khâu chuẩn bị, tiến hành cày lật đất sớm, ra quân vệ sinh mương máng, đồng ruộng để dọn sạch tàn dư lúa chét, cỏ; sử dụng các chế phẩm, vôi bột rắc trên ruộng trước khi bừa ngả để xử lý mầm bệnh trong đất. Khuyến cáo và hướng dẫn nông dân sử dụng chế phẩm Cruiser Plus khi ngâm ủ thóc giống để hạn chế rầy, sau gieo từ 10 - 12 ngày phun trừ rầy trên mạ. Sau khi gieo cấy xong, hàng tuần, cán bộ bảo vệ thực vật kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện các đối tượng sâu bệnh hại. Trước sự tái bùng phát của rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen được xác định là đối tượng nguy hiểm, có khả năng bùng phát thành dịch trong vụ xuân nếu có tư tưởng chủ quan trong nắm tình hình, chỉ đạo phòng, trừ cũng như không có các biện pháp phòng ngừa bệnh kịp thời, hữu hiệu. HTX phát động chiến dịch phun trừ trên quy mô toàn xã trong ba ngày từ 27 - 29/3. Đến nay, 100% diện tích đã được nông dân phun thuốc trừ rầy theo đúng hướng dẫn.

Thực tế từ vụ mùa năm 2017, thông qua các buổi tập huấn, tuyên truyền, tờ rơi do HTX tổ chức ở vụ xuân 2018, nông dân đã nắm bắt được nguyên nhân, triệu chứng cũng như biện pháp xử lý đối với bệnh lùn sọc đen vì vậy không còn tư tưởng chủ quan, thờ ơ trước những khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Ông Chu Đức Thọ, thôn Trà Lý cho biết: Vụ xuân này, gia đình tôi cấy 7 sào bằng giống lúa Bắc thơm 7. Tuy không chịu thiệt hại do bệnh lùn sọc đen gây ra ở vụ mùa vừa qua nhưng với tinh thần trừ rầy ngay từ trứng nước, gia đình tôi đã thực hiện theo đúng khuyến cáo của cán bộ HTX, hạn chế rầy từ xử lý hạt giống, phun trên mạ trước khi cấy. Đến nay, khi lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, gia đình tôi khẩn trương phun thuốc theo phát động chiến dịch trừ rầy của HTX.

Đèn bẫy rầy được trang bị tại mô hình quản lý dịch hại thôn Lợi Thành.

Thôn Lợi Thành, ở vụ mùa có diện tích nhiễm bệnh lùn sọc đen nhiều nhất của xã Đông Quý, vụ xuân năm nay, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai mô hình quản lý dịch hại, đặc biệt bệnh lùn sọc đen với quy mô 2ha, 11 hộ tham gia. Có 8 sào nằm trong mô hình, anh Vũ Văn Hùng cho biết: Tham gia mô hình quản lý dịch hại của ngành Nông nghiệp, chúng tôi được tập huấn, tuyên truyền nhiều về bệnh lùn sọc đen, các biện pháp phòng, trừ rầy cũng như kỹ thuật canh tác lúa giảm sâu bệnh. Ngoài được hỗ trợ thuốc xử lý rầy từ hạt giống, mạ, quá trình chăm sóc lúa xuân, chúng tôi đặc biệt tuân thủ quy trình bón lót sâu, cân đối; khi lúa bén rễ hồi xanh thực hiện bón thúc theo đúng chỉ đạo của cán bộ chuyên môn. Qua theo dõi từ đầu vụ, tôi thấy lúa trong mô hình sinh trưởng, phát triển tốt hơn so với ruộng lúa ngoài mô hình.

Giới thiệu thêm về mô hình, ông Vũ Văn Xuyền cho biết: Để hạn chế sâu bệnh, mô hình quản lý dịch hại triển khai tại địa phương còn áp dụng phương pháp tưới nông - lộ - phơi, hiện tại khi lúa đang giai đoạn đẻ nhánh, HTX điều tiết, giữ nước xâm xấp mặt ruộng, khi lúa kết thúc đẻ nhánh tiến hành rút cạn nước để hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu, rễ lúa ăn sâu chống đổ. Ngoài ra, mô hình còn được trang bị một đèn bẫy để điều tra sâu bệnh với nhật ký ghi chép từng ngày.

Trước những diễn biến phức tạp của sâu bệnh, để bảo vệ diện tích lúa xuân, xã Đông Quý tích cực tuyên truyền đến bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện sâu bệnh và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, trừ hiệu quả.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày