Thứ 7, 23/11/2024, 23:53[GMT+7]

Tuổi trẻ Đoan Hùng thi đua phát triển kinh tế

Thứ 4, 18/04/2018 | 09:41:48
1,230 lượt xem
Phong trào thi đua phát triển kinh tế ở Đoan Hùng (Hưng Hà) lan tỏa rộng khắp trong đoàn viên thanh niên. Nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm tại chỗ, ổn định cho nhiều lao động.

Mô hình nuôi thỏ của anh Lê Minh Trụ được nhiều đoàn viên thanh niên tới tham quan, học tập kinh nghiệm.

Chị Hoàng Thị Bông, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đoan Hùng cho biết: Những năm qua, phong trào thanh niên thi đua phát triển kinh tế đã khơi dậy ý chí tự lực tự cường, tinh thần sáng tạo, cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, ý thức làm giàu chính đáng của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) góp phần thực hiện các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm ở địa phương. Đoàn Thanh niên xã đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho các hộ là ĐVTN vay vốn với số tiền hơn 400 triệu đồng; nhiều ĐVTN đã mạnh dạn đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn ngành nghề phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế.

Mô hình chăn nuôi thỏ của anh Lê Minh Trụ, thôn Đôn Nông là một trong những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của ĐVTN trong xã. Trụ cho biết: Ban đầu nguồn vốn ít, gia đình tôi chỉ nuôi thử nghiệm vài chục con thỏ. Đến nay, nhờ có sự đầu tư hiệu quả và biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, đàn thỏ của gia đình có khoảng 600 con, cả thỏ sinh sản và thỏ thương phẩm. Mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ thỏ. Bên cạnh đó, tôi còn có thêm thu nhập từ dịch vụ làm cỗ phục vụ hiếu, hỷ; thuê đất trồng cây ăn quả và dự định mở rộng chăn nuôi.

Không đầu tư vào mô hình chăn nuôi, đoàn viên Lê Anh Dũng, sinh năm 1990 mạnh dạn đầu tư vào mô hình gia công, lắp ráp các thiết bị điện. Dũng cho biết: Trước kia cả hai vợ chồng đều làm trong miền Nam với thu nhập cũng khá cao. Tuy vậy, do muốn về quê lập nghiệp, tạo việc làm cho người dân địa phương nên 2 năm trước tôi mở cơ sở lắp ráp các thiết bị điện như đèn pin, bật lửa, vợt muỗi..., vừa để phát triển kinh tế gia đình vừa tạo việc làm cho người dân địa phương. Nghề này ai cũng có thể làm được, từ em học sinh tranh thủ ngày nghỉ đến các cô, bác nông dân khi nông nhàn, thậm chí các cụ già cũng có thể nhận hàng về làm tại nhà. 

Hiện có khoảng 20 người làm tại xưởng của Dũng, ngoài ra rất nhiều người nhận hàng về làm tại gia đình. Tùy độ nhanh nhạy, chăm chỉ, mỗi người có thể có thêm thu nhập từ 2 triệu đồng/người/tháng trở lên. Với Dũng, thu nhập từ mô hình này khoảng 20 triệu đồng/tháng. Không những thế, với tài năng về ca hát, Dũng còn làm thêm dịch vụ đám cưới. Đây là nghề tay trái, vừa góp thêm niềm vui cho các cặp đôi vừa được thể hiện mình trên sân khấu. Tuy vậy, nghề tay trái này cũng đem lại thu nhập khá cho chàng trai đa tài.  

Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Bí thư Chi bộ thôn Đôn Nông cho biết: Chỉ riêng thôn Đôn Nông đã có 8 thanh niên làm kinh tế khá, giỏi với nhiều ngành, nghề khác nhau. Bên cạnh việc nghiêm túc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng thì việc hăng hái thi đua lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng ngay tại quê hương đã giúp ĐVTN ngày càng khẳng định sức trẻ, là đội dự bị tin cậy, là cánh tay đắc lực của Đảng.

Chị Hoàng Thị Bông cho biết thêm: Mặc dù còn một số khó khăn trong việc đẩy mạnh phong trào thanh niên thi đua phát triển kinh tế, tuy nhiên, trong thời gian tới, Đoàn Thanh niên xã tiếp tục tăng cường hỗ trợ về chính sách, cơ chế, vật chất, kỹ thuật; kịp thời biểu dương, khen thưởng những mô hình, điển hình tiên tiến. Cùng với đó là vận động thanh niên chủ động tự tạo việc làm, giúp nhau lập nghiệp, góp vốn và liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tạo khí thế thi đua sôi nổi, xứng đáng với vai trò là lực lượng xung kích, tiên phong trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Xuân Phương