Thứ 7, 23/11/2024, 17:54[GMT+7]

Chủ động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Thứ 2, 23/04/2018 | 09:10:46
987 lượt xem
Những năm gần đây, thời tiết, khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Với tinh thần không chủ quan, lơ là nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, các cấp, các ngành, các địa phương luôn sẵn sàng, chủ động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Bộ đội Biên phòng tỉnh diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Theo đánh giá của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, năm 2017, tình hình mưa, lũ trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều đợt mưa lớn trên diện rộng. Năm 2017 có 5 áp thấp nhiệt đới và 16 cơn bão trên biển Đông, ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Trong đó, Thái Bình chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và bão số 10. Các cơn bão, áp thấp nhiệt đới tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến Thái Bình nhưng gây ra nhiều đợt mưa lớn, nước dâng cao. Tại Thái Bình, năm 2017 đã xuất hiện trận lũ lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây, gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Mặc dù không bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 2 và bão số 10 song hoàn lưu bão và các đợt mưa, lũ đã gây thiệt hại nặng nề, đặc biệt là đợt mưa, lũ từ ngày 2/10/2017 đến ngày 14/10/2017 kết hợp với hồ Hòa Bình xả lũ cùng với hoàn lưu bão gây ảnh hưởng đến 47.000ha lúa mùa đang trong thời kỳ thu hoạch; 15.164ha cây vụ đông bị ngập, dập, nát; 2.514ha diện tích nuôi trồng thủy hải sản bị ngập, tràn bờ bao; một số tuyến đê, kè bị sạt lở; 1 nhà cấp 4 bị đổ; lốc xoáy làm 7 người bị thương, một số nhà bị tốc mái...

Nhận định tình hình lũ, bão có khả năng ảnh hưởng đến Thái Bình, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát và có phương án di dời các hộ dân sinh sống ngoài đê chính, nhà yếu, lao động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Để ứng phó với bão số 2 và bão số 10, toàn tỉnh đã di dời 1.567 lao động trên các chòi ngao và 1.904 lao động đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản vào trong đê chính an toàn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã xử lý khẩn trương các sự cố đê điều theo phương châm “4 tại chỗ” được một số đoạn như: đê biển số 6 đoạn qua địa phận xã Nam Cường (Tiền Hải), đê cửa sông tả Hồng Hà đoạn qua địa phận xã Nam Hồng (Tiền Hải), đê cửa sông tả Trà Lý đoạn qua địa phận xã Thái Thọ (Thái Thụy), đê tả Hồng Hà 1 đoạn qua địa phận thị trấn Hưng Nhân (Hưng Hà)...

Ông Nguyễn Bảo Khương, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017 đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện tốt từ việc xây dựng phương án, kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, đôn đốc tu bổ, sửa chữa công trình đê điều, thủy lợi; công tác tiền phương, hậu phương, cứu hộ, cứu nạn được thực hiện khẩn trương, quyết liệt và hiệu quả đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hiện nay, các đơn vị, địa phương đang khẩn trương tu bổ, sửa chữa máy móc, thiết bị công trình, bảo đảm vận hành an toàn để phục vụ sản xuất và phòng, chống lụt, bão.

Phát huy những kết quả đạt được, để chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các địa phương tích cực, chủ động đề phòng những đợt lũ lớn, những cơn bão mạnh đổ bộ vào đất liền và phải có phương án ứng phó với trường hợp bất lợi, nhất là khi lũ, bão trùng hợp xảy ra. Quán triệt sâu sắc đến cán bộ và các tầng lớp nhân dân nắm vững phương châm “4 tại chỗ” để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi thiên tai xảy ra. 

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành chỉ đạo các đơn vị cơ sở, ngành mình quản lý tổ chức kiểm tra cụ thể từng nơi, từng gia đình về nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, bệnh xá... để có kế hoạch tu sửa, chằng chống hoàn thành trước ngày 30/6/2018. Nếu nhà, kho nào hư hỏng nặng, không thể chống đỡ được với bão, lốc xoáy thì không chứa vật tư, không cho người ở để tránh thương vong cho người và hư hỏng về tài sản khi bão đổ bộ. Đối với những người làm nghề ở ven sông, ven biển thuộc các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương phải có biện pháp bảo vệ người và tài sản...

Phạm Hưng


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày