Thứ 2, 18/11/2024, 18:27[GMT+7]

Đoàn đại biểu Quốc hội Thái Bình Giám sát tại các cơ quan ngành nội chính huyện Kiến Xương

Thứ 5, 02/08/2012 | 08:03:39
2,139 lượt xem
Ngày 1-8-2012, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Thái Bình do ông Phạm Xuân Thường - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với các ngành Công an, Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân huyện Kiến Xương về việc chấp hành pháp luật tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự.

Đoàn giám sát đã nghe lãnh đạo các ngành nội chính huyện Kiến Xương báo cáo về diễn biến tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật hình sự; công tác tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm và việc phối hợp liên ngành trong giải quyết; công tác tạm giữ, tạm giam, truy nã, truy tố và giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động điều tra. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự; việc thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, về hoạt động tranh tụng tại phiên toà.

Tính từ tháng 10-2009 đến nay, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Kiến Xương thụ lý 168 vụ với 276 bị can do cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kiến Xương chuyển sang. Trong đó, Tòa án nhân dân huyện đã xét xử 162 vụ, 263 bị cáo, đã phạt tù giam 141 bị cáo, phạt tù cho hưởng án treo 117 bị cáo, áp dụng hình phạt khác không phải là tù 5 bị cáo; có luật sư hoặc trợ giúp pháp lý 9 vụ 9 bị cáo; đã xét xử lưu động 18 vụ 20 bị cáo.

Tất cả các vụ án đều được cơ quan chức năng duyệt án tập thể trước khi đưa ra xét xử, đảm bảo khách quan, công bằng, đúng người, đúng tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Ngoài ra, công tác quản lý thông tin tội phạm, tiếp nhận thông tin tố giác và mối quan hệ giữa các cơ quan tố tụng đều đảm bảo đúng nguyên tắc và các quy định của pháp luật, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu đoàn giám sát đề nghị làm rõ một số vấn đề như: số vụ án kinh tế, tham nhũng, hoạt động tín dụng đen, nguyên nhân đình chỉ điều tra vụ án, tỷ lệ phá án; sự khác nhau về áp khung hình phạt; tình hình tội phạm từ tỉnh ngoài; chính sách chi và hoạt động bảo vệ cho người cung cấp thông tin; số lượng điều tra viên, kiểm sát viên đối với yêu cầu nhiệm vụ; quan điểm về thành lập toà án, viện kiểm sát khu vực; tình hình hoạt động của luật sư trong tham gia bào chữa...

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Xuân Thường biểu dương những nỗ lực của các ngành trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Đồng thời ghi nhận những kiến nghị, chia sẻ về thực trạng và khó khăn trong việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự hiện nay như chính sách đãi ngộ, cơ chế bảo vệ an ninh cho thẩm phán, kiểm sát viên khi thi hành công vụ; khung hình phạt dành cho bị cáo thiếu cụ thể và chi tiết; nguồn kinh phí dành cho một vụ xét xử lưu động còn rất hạn chế, trong khi đó tính giáo dục và răn đe của hình thức xét xử này rất có tác dụng. Các ý kiến, kiến nghị, đề xuất được tiếp thu, phân loại, tổng hợp đầy đủ để chuyển đến các cơ quan chức năng của tỉnh, bộ ngành của Trung ương và Quốc hội xem xét giải quyết.

Tin, ảnh: Hà Dung

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày