Chủ nhật, 17/11/2024, 11:35[GMT+7]

Quốc hội Việt Nam: Những dấu ấn nổi bật Quốc hội khóa I (1946 - 1960)

Thứ 2, 05/04/2021 | 08:20:20
5,947 lượt xem
Hướng về ngày hội non sông - bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Báo Thái Bình giới thiệu tổng quát về 14 kỳ bầu cử, những dấu ấn nổi bật của Quốc hội Việt Nam và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.

Cử tri Hà Nội bỏ phiếu tín nhiệm người xứng đáng tham gia Quốc hội khóa I. Ảnh tư liệu


Ngày 6/1/1946, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của Việt Nam đã diễn ra trong cả nước với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 89%. Quốc hội khóa I có 403 đại biểu, trong đó 333 đại biểu được dân bầu, 70 đại biểu không qua bầu cử (20 đại biểu thuộc Việt Nam Cách mạng đồng minh hội và 50 đại biểu thuộc Việt Nam Quốc dân Đảng). Trong 333 đại biểu được bầu có 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu dân tộc thiểu số, 87% đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng.

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi, đánh dấu sự ra đời của Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta; đồng thời, đó cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Quốc hội đã hội tụ các đại biểu của cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, là ý chí của nhân dân cả nước. Quốc hội thành lập Ban Thường trực Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội. Trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa I: đồng chí Nguyễn Văn Tố (2/3/1946 - 8/11/1946); đồng chí  Bùi Bằng Đoàn (9/11/1946 - 19/9/1955); đồng chí Tôn Đức Thắng (20/9/1955 - 14/7/1960).

Do điều kiện chiến tranh, Quốc hội khóa I là Quốc hội có nhiệm kỳ dài nhất tính đến thời điểm hiện nay với thời gian hoạt động 14 năm. Quốc hội khóa I với 12 kỳ họp đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng nhà nước dân chủ cộng hòa từ những năm tháng đầu tiên sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Quốc hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc thành lập Chính phủ hợp hiến, hợp pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và “trao quyền bính cho chính quyền ấy”, bảo đảm cho Chính phủ đủ uy tín, hiệu lực để tổ chức nhân dân kháng chiến, kiến quốc, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn. Từ năm 1954 - 1960, Quốc hội đã phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà theo quy định của Hiệp định Giơnevơ. Những năm đầu sau hòa bình lập lại, Quốc hội đã thông qua các kế hoạch khôi phục, cải tạo phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, đưa miền Bắc tiến dần từng bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Trong 14 năm hoạt động, Quốc hội khóa I đã xem xét, thông qua bản Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp 1959, 16 đạo luật và 50 nghị quyết. Đánh giá về ý nghĩa của việc ban hành Hiến pháp năm 1946 - bản hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng, đó là “một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông... Bản Hiến pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm nên một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do..., phụ nữ Việt Nam đã được ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do đó của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bằng của các giai cấp”. Hiến pháp khẳng định nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. “Tất cả quyền bính trong nhà nước là của toàn dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Cùng với đó, Quốc hội khóa I cũng thông qua những đạo luật quan trọng như: Luật Cải cách ruộng đất, Luật Quy định quyền tự do hội họp, Luật Quy định quyền lập hội, Luật Bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật và thư tín của nhân dân và Luật về chế độ báo chí. Đây là những đạo luật quy định những quyền tự do rất cơ bản của người dân.

Đánh giá về công lao to lớn của Quốc hội khóa I, tại kỳ họp thứ 12, kỳ họp cuối của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân, vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu nhân dân”.

Ngày 6/1/1946, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Thái Bình đã tích cực đi bầu cử, lựa chọn bầu ra 13 đại biểu Quốc hội khóa I trong số 20 ứng cử viên. Trong 14 năm hoạt động, các vị đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Thái Bình cùng với các vị đại biểu Quốc hội khóa I cả nước với tinh thần trách nhiệm cao đã hoàn thành nhiệm vụ được nhân dân tin tưởng giao phó.

Nguyễn Hình - Đỗ Hiền
(tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày