Thứ 7, 16/11/2024, 15:37[GMT+7]

Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành

Thứ 2, 30/05/2022 | 20:05:13
20,143 lượt xem
Ngày 30/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, sau khi nghe báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng đoản đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận.

Luật Quy hoạch được thông qua năm 2017 đã giải quyết những vấn đề đặt ra và tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quy hoạch; thay đổi cách tiếp cận từ quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; tính định hướng trong phát triển được thể hiện tốt hơn; các cấp, các ngành trưởng thành hơn trong công tác quy hoạch... Tuy nhiên, đây là một luật liên quan nhiều vấn đề phức tạp, phạm vi rộng. Đến nay, sau 5 năm Luật có hiệu lực vẫn chưa lập, phê duyệt xong hệ thống quy hoạch quốc gia.

Trước những khó khăn, vướng mắc nảy sinh ngay từ khi triển khai, Quốc hội khóa XV đã chọn Luật Quy hoạch là chuyên đề giám sát đầu tiên với mục tiêu tìm hạn chế, nguyên nhân, rõ trách nhiệm, đề xuất phương án xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển bền vững.

Sau gần 5 tháng lên đề cương, nghiên cứu báo cáo và làm việc với bộ ngành, địa phương, Đoàn giám sát cơ bản nhận diện và chỉ rõ được những nút thắt, điểm nghẽn từ chính những bất cập trong quy định đến cách tổ chức thực hiện trong thực tế, nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan. Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ một số vướng mắc, nhất là thể chế, cơ chế, chính sách trong triển khai Luật Quy hoạch.

Cũng trong quá trình giám sát, với phương châm, “vướng đến đâu, gỡ đến đó”, các khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng bước nhìn nhận, tháo gỡ, các địa phương cũng tích cực đẩy nhanh tiến độ. Đẩy nhanh nhưng phải chắc ở tất cả các khâu như chất lượng tư vấn, thẩm định, tăng cường tham vấn các tổ chức quốc tế để chất lượng quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch khác theo quy định bảo đảm kết nối, phát triển và bền vững, đảm bảo chất lượng và khả thi...

Các vị đại biểu đã tham gia thảo luận tập trung vào các nhóm vấn đề như:

Thứ nhất, đánh giá về việc tham mưu cho Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”; hiệu quả triển khai của Đoàn giám sát cũng như của các bộ, ngành, địa phương.

Thứ hai, những căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn cũng như sự cố gắng, nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành về việc ban hành Luật Quy hoạch và các luật liên quan; hiệu quả của việc ban hành Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tháo gỡ khó khăn trong tổ chức, thực hiện Luật Quy hoạch.

Thứ ba, về những hạn chế, bất cập xung quanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và công bố quy hoạch của các cấp các ngành; về sự tồn tại song hành, áp dụng cả hai loại quy hoạch hiện nay; về nội hàm của quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; về khái niệm tích hợp quy hoạch; về sự thay thế, bãi bỏ các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm trước đây bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; về phân kỳ đầu tư triển khai các dự án quy hoạch…

Thứ tư, về những đề xuất của Đoàn giám sát, trong đó có việc cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu cho rằng quy hoạch quy hoạch sử dụng đất được xem là nền tảng của quy hoạch, nhất là trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế xem đất là nguồn lực quan trọng, là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội. Từ thực tiễn thi hành luật và qua nghiên cứu các báo cáo, đại biểu nêu thực trạng thời gian qua chất lượng quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa cao, thiếu đồng bộ, dự báo về nhu cầu sử dụng đất chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội và nhu cầu thị trường. Điều này dẫn đến tình trạng thừa - thiếu cục bộ, mất cân đối cung - cầu sử dụng đất và thực tế nhiều địa phương có cơ hội thu hút đầu tư nhưng thiếu quỹ đất để phát triển. Đại biểu cho rằng nguyên nhân chính xuất phát từ những mâu thuẫn, chồng chéo trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hay như tình trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo” còn tồn tại ở nhiều địa phương gây ra những ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi và cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch. Về chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và một số quy hoạch ngành, lĩnh vực chưa cao, chưa mang tính chiến lược lâu dài, quy hoạch một số ngành, lĩnh vực chưa ổn định. Vì vậy vẫn còn tình trạng một số quy hoạch bất cập với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Và từ hệ lụy của chất lượng quy hoạch sử dụng đất chưa cao, thiếu đồng bộ, thiếu tính dự báo dẫn tới việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất diễn ra tùy tiện. Đại biểu dẫn chứng từ báo cáo của Đoàn giám sát có 4.270 quy hoạch khu chức năng, trong đó có 3.713 quy hoạch đã được phê duyệt, quy hoạch điều chỉnh tổng thể là 419, điều chỉnh cục bộ là 528; Việc công khai cắm mốc quy hoạch cũng chậm và chưa thực hiện đặc biệt tại khu đô thị và các tuyến giao thông chính, một số nơi cắm mốc quy hoạch do quản lý không chặt chẽ nên mất mốc, xê dịch mốc.

Từ các thực trạng trên, đại biểu thống nhất cho rằng việc ban hành nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực và hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch là hết sức cần thiết. Để hạn chế thấp nhất những chồng chéo, mâu thuẫn, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) quốc gia với các quy hoạch có liên quan; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh. Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thẩm định và phê duyệt với những kế hoạch khoa học, chi tiết, cụ thể; trong đó giao rõ nhiệm vụ cho các tổ công tác, đầu mối chịu trách nhiệm, cơ quan phối hợp, thời điểm hoàn thành từng đầu việc theo quy trình, cần thiết xây dựng đường dây nóng tiếp nhận thông tin và có những cơ chế bảo đảm. Về trung và dài hạn cần phải tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản pháp luật có liên quan đến quy hoạch, đặc biệt là kịp thời và đồng bộ với việc sửa đổi Luật Đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.


Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày