Thứ 7, 16/11/2024, 13:52[GMT+7]

Quốc hội biểu quyết thông qua một số nghị quyết, luật tại kỳ họp

Thứ 3, 14/06/2022 | 16:31:47
6,823 lượt xem
Sáng ngày 14/6, tiếp tục kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua hai nghị quyết về việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình điều hành phiên thảo luận.

Theo đó, với 475 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, có 469 tán thành (chiếm 94,18%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.  Với 465 đại biểu tán thành (chiếm 93,37%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.

Tiếp đó, sau khi nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, đã có 454/474 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành thông qua Luật Cảnh sát cơ động, chiếm tỷ lệ 91,16%.

Cũng trong phiên họp buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Kết thúc phiên thảo luận buổi sáng đã có 20 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, có 3 đại biểu Quốc hội tranh luận. Không khí tranh luận sôi nổi, trí tuệ, dân chủ, rõ ràng, thể hiện trách nhiệm cao, các ý kiến đại biểu Quốc hội bao quát toàn diện các nội dung của dự án luật. Qua thảo luận ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhất trí cao sự cần thiết phải ban hành dự án luật quan trọng này, thống nhất với nhiều nội dung cơ bản của dự án luật. Việc ban hành Luật này nhằm thể chế hóa chủ trương thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân, thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; là bước tiến mới trong chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về quyền làm chủ của nhân dân; trên cơ sở đó hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật được ban hành sẽ là một bước tiến lớn quan trọng trong việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân và hiện thực hóa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Đồng thời, các đại biểu cũng phân tích, làm rõ thêm những nội dung còn có ý kiến khác nhau cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn nữa và tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, bảo đảm tính thống nhất, khả thi của các quy định trong dự thảo luật này nói riêng và các luật khác trong hệ thống pháp luật nói chung.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Các vị đại biểu tham gia phát biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời đề nghị việc sửa đổi dự án luật cần tăng tính hiệu lực, hiệu quả, khả thi trong việc bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em; bổ sung quy định về bạo lực gia đình ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở các vùng miền; bổ sung các quy định về vấn đề bạo lực gia đình đối với người đồng tính, song tính, lưỡng tính, chuyển giới, liên giới tính, đa dạng giới…; tiếp tục nghiên cứu quy định đối với người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, khu vực có trình độ dân trí cao; rà soát để giữ lại các quy định đang thực hiện ổn định, hạn chế sửa đổi khi chưa tổng kết kỹ lưỡng, đánh giá hiệu quả của các quy định kiến nghị sửa đổi. Các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát tính hợp Hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự án luật với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, cam kết của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; bổ sung các dự thảo văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật; bổ sung các tài liệu tham khảo của nước ngoài, các nội dung giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý của các tổ chức quốc tế; có bảng phân tích chung về các số liệu phân tách giới liên quan đến các hành vi bạo lực; tiếp tục cần đánh giá chi tiết về thực trạng bạo lực gia đình hiện nay; đánh giá nguồn lực để tổ chức thi hành Luật.

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày