Thứ 7, 16/11/2024, 11:37[GMT+7]

Ý kiến cử tri gửi tới kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVII

Thứ 6, 08/07/2022 | 10:33:11
991 lượt xem
Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra từ ngày 11 - 13/7/2022. Trước kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với ủy ban MTTQ các cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với đại biểu HĐND tỉnh, đã có nhiều ý kiến cử tri về các lĩnh vực gửi tới kỳ họp.

Ông Đinh Văn Minh, xã Tân Học (Thái Thụy)

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Thái Bình chủ yếu ở quy mô nhỏ, hiệu quả chưa cao. Cùng với đó, lao động nông nghiệp ngày càng thiếu, giá vật tư nông nghiệp tăng cao là nguyên nhân khiến một số nông dân bỏ ruộng. Tuy nhiên, điều đáng mừng là thời gian qua một số tổ chức, cá nhân được tỉnh hỗ trợ kinh phí mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, địa phương tạo thuận lợi về thuê, mượn ruộng của các hộ không cấy đã mạnh dạn tích tụ ruộng đất, chủ động giống chất lượng cao, đưa máy móc, kỹ thuật vào canh tác, hướng đến sản xuất hàng hóa, góp phần giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, giảm ruộng bỏ hoang. HĐND tỉnh khóa XVII mới ban hành nghị quyết quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai, mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đây tiếp tục là “cú hích” nữa cho các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn. Nghị quyết đang đi vào cuộc sống, nông dân phấn khởi đón nhận. Song hiện nay việc tích tụ ruộng đất vẫn còn gặp khó khăn, đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo lao động, hỗ trợ các khâu dịch vụ trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người sản xuất, các tổ chức kinh tế về tích tụ ruộng đất, giải quyết tâm lý mất đất, giữ đất của một bộ phận nông dân. Đẩy mạnh việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào xây dựng các vùng chuyên canh liên kết với hộ nông dân để hình thành những chuỗi giá trị, liên kết lâu dài.

Ông Phan Đình Du, xã Nam Thắng (Tiền Hải)

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là về giao thông, trụ sở làm việc, trường học, bệnh viện... Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số trường học xuống cấp, không đủ phòng học đáp ứng nhu cầu dạy và học; bệnh viện tuyến huyện quá tải, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trạm y tế chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ y tế phải làm việc quá sức nhưng chưa được quan tâm đúng mức; trình độ một số nhân viên y tế cơ sở còn hạn chế. Vì vậy, tôi đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát trường học xuống cấp, trường thiếu phòng học trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó tiếp tục quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới, bổ sung trang thiết bị dạy học; nâng cấp các trạm y tế xuống cấp, có chính sách đặc biệt đãi ngộ nhân viên y tế, động viên họ tiếp tục vượt khó thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ông Trần Danh Dâng, xã Đông Sơn (Đông Hưng)

HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường từ thành phố Thái Bình đến cầu Nghìn. Tuyến đường hiện đại này chạy từ thành phố qua 2 huyện Đông Hưng, Quỳnh Phụ, khi hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, kết nối vùng, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, tạo đà tăng trưởng cho tỉnh nói chung, các huyện nói riêng, đồng thời giảm thiểu tai nạn giao thông. Nhân dân xã Đông Sơn cũng như nhân dân các địa phương có tuyến đường đi qua rất phấn khởi, đồng thuận cao với việc triển khai xây dựng tuyến đường cũng như phương án hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giúp giải phóng nhanh mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư triển khai thi công tuyến đường. Đến nay mặt bằng đã cơ bản được giải phóng, nhà thầu tập trung nhân lực, vật tư thi công bảo đảm tiến độ. Song khi triển khai tuyến đường cắt ngang đường nội đồng xã Đông Sơn gây ảnh hưởng đến việc tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con, vì vậy khi có mưa lớn cánh đồng ngập úng làm lúa, rau màu bị hỏng. Đề nghị tỉnh chỉ đạo đơn vị liên quan có giải pháp bảo đảm thi công mà không làm ảnh hưởng đến hệ thống tiêu thoát nước; mở rộng cống để việc tiêu nước được kịp thời; đồng thời, nghiên cứu làm hầm chui, cầu vượt tạo thuận lợi và an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Ông Nguyễn Quang Chí, xã Vũ Công (Kiến Xương)

Theo thiết kế, cột điện nằm ngoài lộ giới nhưng sau nhiều đợt cải tạo, nâng cấp để mở rộng các tuyến đường theo tiêu chí nông thôn mới thì một số cột điện lại lọt thỏm dưới lòng đường. Thực trạng này không chỉ gây mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn tai nạn giao thông. Có những cột điện cũ, không sử dụng nữa, nghiêng ngả, bao năm vẫn chưa được bỏ đi; dây điện, dây cáp cũ chằng chịt, có khi rơi cả xuống lòng đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Dù cử tri đã nhiều lần kiến nghị nhưng những cột điện nằm dưới lòng đường, cột điện cũ, dây diện, dây cáp không dùng ở một số địa phương vẫn chưa được di dời, tháo bỏ. Đây là chuyện cũ nhưng nguy hiểm thì vẫn hiện hữu. Vì vậy, cử tri đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan sớm rà soát, phối hợp với chính quyền địa phương di dời, tháo dỡ, tránh xảy ra những vụ tai nạn, góp phần bảo đảm mỹ quan trên các tuyến đường.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày