Thứ 7, 16/11/2024, 05:32[GMT+7]

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi

Thứ 4, 09/11/2022 | 16:39:32
11,338 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 9/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Các vị đại biểu Quốc hội trao đổi bên lề phiên họp.

Tham gia biểu quyết tại hội trường, có 444 biểu quyết tán thành thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, chiếm tỷ lệ 89,16%. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp nhấn mạnh, đây là Luật đầu tiên của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã được biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật; giải thích khái niệm “thảm họa”, “sự cố”; đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố; xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự; cấp độ phòng thủ dân sự; thẩm quyền công bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự; hoạt động phòng thủ dân sự; tình trạng khẩn cấp; cơ quan chỉ đạo, chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự; Quỹ phòng thủ dân sự... Các đại biểu phát biểu bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật với các lý do về chính trị, pháp lý và thực tiễn như tờ trình và báo cáo thẩm tra nhằm nhấn mạnh sự cần thiết của Luật này; đánh giá cao trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc phối hợp nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; cơ bản thể chế đầy đủ nội dung Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Theo đó, dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định những nguyên tắc, những vấn đề chung nhất, những nội dung đặc thù và những nội dung còn thiếu trong hệ thống pháp luật có liên quan đến phòng thủ dân sự.

Các đại biểu cho rằng, nước ta bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thực tế thời gian qua xảy ra nhiều sự cố thiên tai, dịch bệnh, từ đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác phòng thủ dân sự, đòi hỏi hoàn thiện cơ sở pháp lý để tích cực chủ động phòng chống, ứng phó có hiệu quả các sự cố, thảm họa thiên tai, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn đất nước. Đề nghị tiếp tục rà soát quy định của các chương, mục để bảo đảm sự thống nhất trong toàn bộ dự thảo Luật và thống nhất với các Luật hiện hành, tránh chồng chéo, bảo đảm đồng bộ khi áp dụng. Về giải thích từ ngữ, cần bổ sung cụm từ “tình trạng khẩn cấp trong hoạt động phòng thủ dân sự” với giải nghĩa rõ ràng nội hàm để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính khả thi sau khi Luật được ban hành. Về xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự, các đại biểu cho rằng, việc quy định còn chưa đầy đủ, chưa bao quát hết các công trình, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện, đề nghị cần bổ sung để bảo đảm tính khái quát, tính toàn diện của quy định pháp luật. Tại Điều 22 của dự án Luật quy định cụ thể rõ ràng về thẩm quyền ban bố, công bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự. Tuy nhiên, khoản 4 quy định: Căn cứ nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lệnh của Chủ tịch nước về tình trạng khẩn cấp, các địa phương được đặt trong tình trạng khẩn cấp thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 4. Do vậy, đề nghị rà soát để quy định phù hợp, thống nhất các khoản trong điều luật này; trong quy định về xây dựng Kế hoạch phòng thủ dân sự, xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự, đề nghị bổ sung thêm hệ thống quan trắc, làm cơ sở cho các dự báo tình huống phức tạp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng thủ dân sự khi Luật được chính thức ban hành. Với tính chất, mức độ và hậu quả giữa thảm họa và sự cố khác nhau nên bên cạnh quy định các biện pháp chung thì cũng cần quy định riêng các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của thảm họa và các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của sự cố. Về cấp độ phòng thủ dân sự tại Điều 21 dự thảo Luật quy định cấp độ phòng thủ dân sự dựa trên cơ sở phạm vi địa giới hành chính cần được cân nhắc kỹ. Đề nghị ban soạn thảo cần căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm nghiêm trọng, tính chất, mức độ thiệt hại, tính mạng, sức khỏe, tài sản, môi trường do các thảm họa, sự cố gây ra để xác định cấp độ phòng thủ dân sự với các biện pháp ứng phó, khắc phục tương ứng với từng cấp độ phòng thủ dân sự.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày