Thứ 6, 15/11/2024, 14:01[GMT+7]

Thảo luận việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia

Thứ 2, 30/10/2023 | 16:53:46
12,667 lượt xem
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 30/10, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát tổng hợp 3 chương trình mục tiêu quốc gia, được thực hiện vào giữa nhiệm kỳ, thể hiện rõ phương châm từ sớm, từ xa của Quốc hội để đồng hành cùng Chính phủ. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung trọng tâm trong báo cáo giám sát, đặc biệt là về vai trò, ý nghĩa, mối quan hệ của 3 chương trình mục tiêu quốc gia của giai đoạn trước với giai đoạn này và giữa 3 chương trình của giai đoạn này; tính phù hợp, khoa học trong việc xác định đối tượng, địa bàn, nội dung chính sách, tiêu chí, các chỉ tiêu đạt được thực chất về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình khẳng định, việc Quốc hội quyết định giám sát ngay khi triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia được khởi động có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy về nhận thức, trách nhiệm cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình.

Đại biểu đánh giá, xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước. Nhờ có chương trình mà diện mạo nông thôn đã phát triển tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của bà con nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, báo cáo của đoàn giám sát cho thấy còn nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập cần phải tháo gỡ, trong đó điều cử tri rất quan tâm và còn nhiều băn khoăn là tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới hiện nay khá cao.

Để khắc phục tình trạng này, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình trả nợ cụ thể. Kiểm soát chặt chẽ và thực hiện đúng các quy định về quản lý đầu tư xây dựng các công trình. Quản lý nguồn ngân sách nhà nước và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Lập kế hoạch chi tiết, cụ thể kế hoạch sử dụng vốn trong những năm tiếp theo dựa trên khả năng nguồn thực hiện của địa phương và không để phát sinh nợ mới. Ưu tiên thực hiện trước các công trình thiết yếu với người dân nhưng không quá tập trung vào các tiêu chí xây dựng cơ bản và chỉ thực hiện khi cân đối được nguồn lực. Bên cạnh đó, ở một số địa phương còn xảy ra hiện tượng cào bằng, dàn trải trong phân bổ nguồn vốn của chương trình, dẫn tới tình trạng nguồn lực phân bổ thiếu tập trung, làm giảm hiệu quả của chương trình và tiếp tục làm phát sinh nợ xây dựng cơ bản. Do đó, một mặt phải bảo đảm tính công bằng trong phân bổ các nguồn vốn, mặt khác phải đầu tư tập trung để tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, giải quyết có hiệu quả những vấn đề thực tiễn đang đặt ra ở nông thôn hiện nay.

Đại biểu cũng nêu một thực tế rất đáng quan tâm ở một số địa phương, đó là cấp cơ sở thực hiện xây dựng nông thôn mới có xu hướng thiên về hạ tầng, xây dựng cầu đường, trụ sở nhưng lại thiếu chú trọng tới điều kiện để nâng cao thu nhập và chất lượng của người dân thông qua sinh kế. Đại biểu cho rằng, một trong những yêu cầu quan trọng của xây dựng nông thôn mới là phải đi vào chiều sâu và chất lượng, xây dựng nông thôn mới phải bảo đảm thực chất, hiệu quả, bền vững, chú trọng xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội nhằm hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới tại địa phương, nhất là các tiêu chí về đời sống người dân, giảm nghèo, thu nhập. Thu nhập của người dân liên quan đến nhiều tiêu chí khác trong quá trình triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới. Vấn đề cử tri và người dân khu vực nông thôn rất quan tâm đó là cần phải xây dựng nông thôn mới một cách thực chất, gắn với việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, tiệm cận dần với khu vực đô thị. Chương trình chỉ thật sự phát huy được ý nghĩa khi có sự lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia để không ngừng cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, để từng bước đưa nông thôn trở thành miền quê đáng sống như mục đích tốt đẹp của chương trình đã đề ra.

Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo thúc đẩy việc triển khai thực hiện thực chất và mạnh mẽ chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững. Tăng cường các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, như: Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường, tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất, nâng cao hiệu quả, bảo đảm phát triển bền vững, thúc đẩy hợp tác liên kết, phát triển chuỗi giá trị. Để góp phần đạt được điều đó cần có các giải pháp cụ thể hơn để tạo điều kiện sinh kế bền vững, thông qua các chính sách đào tạo, giải quyết việc làm cho các đối tượng được thụ hưởng chương trình…

 Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày