Thứ 7, 23/11/2024, 17:32[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về một số dự án luật, nghị quyết trình Kỳ họp

Thứ 7, 08/06/2024 | 15:53:14
17,759 lượt xem
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng ngày 8/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe các tờ trình, báo cáo và thảo luận các nội dung liên quan đến việc phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (gọi tắt là Vương quốc Anh).

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận.

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Tham gia thảo luận tại Tổ 10 gồm đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thái Bình, Tiền Giang và Bạc Liêu. Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham dự phiên họp.

Các đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận cơ bản nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người; đánh giá nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) cơ bản đã thể chế hóa đầy đủ, toàn diện, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về lĩnh vực này. Dự thảo Luật đã cơ bản thể hiện khá đầy đủ 3 nhóm chính sách được Chính phủ đưa ra trong đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm: hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân; quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; hoàn thiện quy định để nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân.

Cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên với 7 mục đích và 4 quan điểm đã được nêu trong tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao. Theo các đại biểu, dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em; cơ bản phù hợp với nhiều quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan và tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhiều ý kiến đề nghị ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong dự thảo Luật; đồng thời, đánh giá tác động đầy đủ hơn đối với một số chính sách mới, phát sinh điều kiện bảo đảm thực hiện.

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận đánh giá hồ sơ dự án Luật Công đoàn đã bảo đảm sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, các đại biểu đã tập trung vào một số vấn đề lớn của dự thảo luật như về địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam; phạm vi điều chỉnh;quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; về gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; về hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam; về thanh tra, kiểm tra và phản biện xã hội của Công đoàn Việt Nam; về bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn; về vấn đề quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; về tài sản công đoàn;…

Về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, các đại biểu Quốc hội cho rằng việc đầu tư chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã  hội 10 năm 2021 - 2030; ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Kết luận của hội thảo Văn hóa năm 2022 về “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.Việc thực hiện chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Để hoàn thiện chủ trương đầu tư, các đại biểu tập trung góp ý vào các nội dung cụ thể như: về địa điểm, phạm vi, quy mô thực hiện chương trình; về thời gian thực hiện; về tổng vốn đầu tư và cơ cấu các nguồn vốn; về mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và hệ thống các chỉ tiêu; về nhiệm vụ, giải pháp được thực hiện trong các nội dung thành phần của chương trình; về cơ chế thực hiện chương trình;…

Từ ngày 9 - 16/6/2024, Quốc hội nghỉ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết.

 

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày