Thứ 7, 23/11/2024, 09:46[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

Thứ 2, 04/11/2024 | 15:52:02
9,481 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, ngày 4/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu tại phiên thảo luận.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong các tờ trình của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, các gợi ý thảo luận của các cơ quan thẩm tra đã chuẩn bị, trong đó tập trung vào các thách thức cần phải vượt qua, các bất cập, khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến cho năm 2025. Các đại biểu cho ý kiến đối với tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả đã đạt được, các vấn đề cần lưu ý, quan tâm và có giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật trong thời gian tới…

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nêu rõ, 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 6,82% là con số rất ấn tượng, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tinh thần vượt khó, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của nhân dân cả nước. Tinh thần này cũng được thể hiện rõ nét trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra tháng 9 vừa qua.

Với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ trên 2.000 tỷ đồng và hàng nghìn tấn vật tư, nhu yếu phẩm để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. Những câu chuyện ấm tình người xuất hiện khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, tình dân tộc, nghĩa đồng bào được khơi dậy mạnh mẽ trong lúc khó khăn. Tinh thần đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ đồng bào trong lúc khó khăn là đạo lý truyền thống quý báu, là tình cảm rất đáng trân trọng, song cứu trợ sao cho hiệu quả, an toàn và làm thế nào để hàng hóa cứu trợ đến được đúng người, đúng địa chỉ lại là vấn đề còn nhiều trăn trở...

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng có một điều rất đáng lên án là trong khi những hành động đẹp đang được lan tỏa về tinh thần thiện nguyện thì có không ít những “con sâu làm rầu nồi canh”, lợi dụng tình hình thiên tai để trục lợi, lừa đảo. Mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam đã công bố sao kê số tiền ủng hộ từ ngày 1 đến ngày 10/9 nhằm bảo đảm sự minh bạch trong việc phân bổ và sử dụng các khoản tiền quyên góp cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Tuy nhiên, sau khi sao kê được công khai, nhiều cá nhân đã bị phát hiện lợi dụng sự kiện để chỉnh sửa hình ảnh, "thổi phồng" số tiền đã ủng hộ nhằm đánh bóng tên tuổi. Đại biểu nhấn mạnh, những hành vi như vậy không chỉ vi phạm đạo đức, pháp luật mà còn làm tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của cộng đồng. Hơn bao giờ hết, vấn đề hoạt động từ thiện, cứu trợ, quyên góp càng cần phải được thực hiện cẩn trọng, chuyên nghiệp hơn dưới sự điều chỉnh của một văn bản pháp lý mang tính chuyên biệt.

Đại biểu cho rằng, việc làm trước mắt mà nhân dân và cử tri mong muốn để khắc phục tình trạng trên là Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời xử lý nghiêm đối với những cá nhân và tổ chức lợi dụng tình hình khẩn cấp để trục lợi. Việc áp dụng các chế tài pháp lý nghiêm ngặt không chỉ nhằm răn đe mà còn giúp củng cố niềm tin của nhân dân và duy trì sự công bằng trong các hoạt động cứu trợ từ thiện. Về lâu dài, đại biểu kiến nghị Quốc hội cần sớm xây dựng và ban hành luật về tổ chức và hoạt động từ thiện, vì đây là một lĩnh vực hết sức quan trọng và có ý nghĩa thiết thực của đời sống. Các tác động và kết quả của nó sẽ không chỉ là sự đóng góp và chia sẻ về vật chất mà còn là sự phát huy và củng cố tinh thần đoàn kết, lan tỏa giá trị truyền thống tốt đẹp về lòng nhân ái của dân tộc Việt Nam.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày