Thứ 4, 13/11/2024, 05:24[GMT+7]

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật

Thứ 5, 07/11/2024 | 17:24:02
5,369 lượt xem
Sáng 7/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia được xây dựng nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, kế toán, kiểm toán độc lập, ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công, quản lý thuế và dự trữ quốc gia, qua đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát; thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xóa bỏ cơ chế xin - cho; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu và đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thống nhất về sự cần thiết phải sửa đổi một số điều khoản trong dự thảo Luật và nhất trí thông qua dự án Luật tại kỳ họp này. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu rà soát, làm rõ nội dung, phạm vi quy định của Chính phủ và các cơ quan cấp dưới để tránh mâu thuẫn hoặc chồng chéo trong ngay chính luật này và cũng như luật khác của hệ thống pháp luật. Đồng thời đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định để tháo gỡ những vướng mắc hiện tại đối với quy định về khấu hao, hao mòn tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập; bổ sung quy định đối với đấu thầu thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế: thực hiện theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ để đảm bảo chất lượng thuốc và thiết bị y tế. Đối với sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đề nghị bổ sung quy định cho tiếp tục gia hạn hợp đồng dự án PPP đối với dự án áp dụng loại hợp đồng O&M; …

Buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Tham gia thảo luận, đại biểu Phan Đức Hiếu và đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực để góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đạt được mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển điện lực với tính chất là ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Các đại biểu cũng tham gia vào một số nội dung cụ thể như đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ về khái niệm nhà máy điện gió ngoài khơi, nhà máy điện gió trên biển; về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện; chính sách phát triển và vận hành các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí, dự án nguồn điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao, các chính sách về năng lượng tái tạo; về phát triển điện gió ngoài khơi; về các hoạt động khảo sát dự án điện gió ngoài khơi; về lựa cho nhà đầu tư dự án điện gió ngoài khơi…

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày