Thứ 6, 15/11/2024, 22:47[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và Luật Quy hoạch

Thứ 4, 09/11/2016 | 16:47:32
696 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, sáng ngày 9/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và dự án Luật Quy hoạch.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại tổ.

 

Đối với việc hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện nay cơ chế, chính sách, pháp luật để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển mạnh doanh nghiệp khá nhiều, tuy nhiên lại quy định ở nhiều văn bản khác nhau, chưa có sự đồng bộ thống nhất và đa số quy định áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp; văn bản pháp lý cao nhất đang điều chỉnh trực tiếp về hỗ trợ DNNVV là Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009. Do pháp lý chưa cao, quy định tại một số luật khác nên việc hỗ trợ DNNVV còn nhiều vướng mắc, khó thực hiện, chưa tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các DNNVV.

 

Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Hồng Diên (Đoàn Thái Bình) nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, tuy nhiên đại biểu cho rằng Luật này được ban hành sẽ song song tồn tại với nhiều luật khác quy định về hỗ trợ DNNVV, có nhiều nội dung quy định liên quan đến phạm vi điều chỉnh của hơn 10 luật khác nên sẽ dẫn đến chồng chéo luật.Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của dự án luật đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng, tỷ mỷ các quy định tránh chồng chéo, trùng lặp giữa các Luật. Ngoài ra, đại biểu còn tham gia thêm một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật như: về tiêu chí xác định DNNVV, nguyên tắc hỗ trợ DNNVV, các nội dung hỗ trợ như tiếp cận tín dụng, hỗ trợ tài chính tài chính, mặt bằng sản xuất, kinh doanh,…

 

Tham gia góp ý vào những nội dung của dự án Luật Quy hoạch, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong công tác quy hoạch và bảo đảm tính pháp lý, cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của đất nước và là công cụ quan trọng trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Thống nhất hệ thống pháp luật về quy hoạch; trong chỉ đạo điều hành từ trung ương đến địa phương, tăng cường sự liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực của đất nước. Đồng thời đề nghị nghiên cứu bổ sung các nguyên tắc về bảo đảm tính dự báo, kịp thời, khách quan, ổn định, tính khả thi và thực tế của hoạt động quy hoạch; nhất trí sự cần thiết phải có quy hoạch tổng thể quốc gia để bảo đảm tính thống nhất đồng bộ của hệ thống quy hoạch, tránh tình trạng quản lý chia cắt cục bộ, thiếu liên kết giữa các quy hoạch. Tạo không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch vùng, quy hoạch cấp tỉnh…

 

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày