Thứ 6, 15/11/2024, 13:57[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam

Thứ 2, 05/11/2018 | 17:15:29
1,625 lượt xem
Theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ sáu, ngày 05/11 Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thái Bình tham gia thảo luận tại hội trường.

Tham gia thảo luận, các đại biểu: Bùi Quốc Phòng, Bùi Văn Xuyền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát biểu thể hiện sự nhất trí với việc xây dựng và ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam trước bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay. 

Các đại biểu đã tham gia góp ý vào một số nội dung cụ thể như về việc xác định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách nhà nước làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia trên biển, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng; về phạm vi hoạt động của lực lượng cảnh sát biển; về việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; về quy định phối hợp phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và khắc phục, ứng phó sự cố môi trường biển; về cấp bậc quân hàm, chức vụ, chế độ, chính sách của cán bộ, chiến sỹ cảnh sát biển…

Trước đó, buổi sáng tham gia thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thái Bình phát biểu: Việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định CPTPP là quyết định chính trị quan trọng, thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn xa trông rộng của Đảng và Nhà nước vì lợi ích của đất nước nhưng quan trọng hơn là xây dựng cơ chế bảo đảm nâng cao năng lực cả chính quyền và doanh nghiệp để thực hiện thành công cơ hội mở ra. Việc thông qua Hiệp định sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho nước ta. Trước hết, đó là cơ hội mở rộng thương mại đầu tư với 3 thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ; nâng cấp và làm sâu sắc thêm mối liên hệ cộng hưởng với 7 thị trường còn lại, trong đó có nhiều đối tác chiến lược quan trọng của chúng ta. Đây là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, có thêm việc làm cho người lao động, cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Đây cũng là cơ hội đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn của một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững.

Đại biểu đề nghị Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ xây dựng và triển khai chương trình hành động bảo đảm thực thi hiệp định có hiệu quả với 3 yêu cầu cơ bản: Một là phải kịp thời sửa đổi cơ chế chính sách, pháp luật có liên quan, không thể chỉ để tuân thủ các cam kết trong hiệp định mà còn để ứng phó với các thách thức; Hai là phải dự kiến được các phương án cụ thể, chúng ta không chỉ thực thi hiệp định một cách nghiêm túc mà còn phải biết thực thi một cách khôn ngoan, chủ động vận dụng theo phương châm dĩ bất biến, ứng vạn biến vì lợi ích của doanh nghiệp, quốc gia, dân tộc; Ba là chương trình hành động thực thi hiệp định cần nhấn mạnh công tác tổ chức thực hiện và hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày