Thứ 6, 15/11/2024, 15:36[GMT+7]

Thông cáo số 22 Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV

Thứ 3, 20/11/2018 | 08:36:14
1,328 lượt xem

Ngày 19-11-2018, Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Buổi sáng

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Trong quá trình thảo luận, đã có 23 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và ba đại biểu phát biểu tranh luận. Ða số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa nghị quyết của Ðảng về cải cách tư pháp; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật khác và các Ðiều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội còn tập trung vào những nội dung cụ thể như sau: phạm vi điều chỉnh của Luật; giải thích từ ngữ; thời điểm thông qua Luật; tổ chức khu sản xuất, điểm lao động và tổ chức dạy nghề ngoài trại giam; quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; quản lý, giam giữ phạm nhân và các chế độ cụ thể đối với phạm nhân; quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện; thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; thi hành án tử hình; thi hành án đối với người chưa thành niên, thi hành án đối với người nước ngoài và quy định đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi theo mẹ hoặc cha ở trong các trại giam, trại tạm giam; vấn đề kiểm sát thi hành án hình sự và quy định về tái hòa nhập cộng đồng của các đối tượng phạm tội...

Kết thúc phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Công an Tô Lâm giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong việc xây dựng dự án Luật này. Tuy nhiên, nhiều nội dung trong dự án Luật còn quy định khá chung chung, chưa rõ được cơ chế, thủ tục, trình tự, trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ trong một số chế định, do đó, đề nghị các cơ quan phối hợp làm rõ thêm nhằm bảo đảm tính khả thi của luật trong thực tiễn. Liên quan đến nội dung về thời gian thông qua luật tại hai hay ba kỳ họp, do có nhiều ý kiến khác nhau, nên Ðoàn Chủ tịch kỳ họp đề nghị các đại biểu Quốc hội cân nhắc thận trọng trong việc trả lời Phiếu thăm dò ý kiến về hai phương án nêu trên, gửi lại Phiếu thăm dò cho Ðoàn thư ký kỳ họp vào chiều cùng ngày. Ðoàn Thư ký kỳ họp sẽ có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định vào sáng ngày 20-11-2018.

Buổi chiều

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thông qua năm Luật sau: Ðặc xá (sửa đổi); Trồng trọt; Chăn nuôi; Cảnh sát biển Việt Nam; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Kết quả cụ thể như sau:

1. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp thông qua Luật Ðặc xá (sửa đổi). Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Ðặc xá (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Ðặc xá (sửa đổi) với 451 đại biểu tán thành, chiếm 92,99% tổng số đại biểu Quốc hội.

2. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp thông qua Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi. Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi. Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trồng trọt với 455 đại biểu tán thành, chiếm 93,81% tổng số đại biểu Quốc hội và biểu quyết thông qua Luật Chăn nuôi với 454 đại biểu tán thành, chiếm 93,61% tổng số đại biểu Quốc hội.

3. Phó Chủ tịch Quốc hội Ðỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam với 467 đại biểu tán thành, chiếm 96,29% tổng số đại biểu Quốc hội.

4. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật. Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học với 408 đại biểu tán thành, chiếm 84,12% tổng số đại biểu Quốc hội.

Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày