Thứ 6, 15/11/2024, 23:36[GMT+7]

Ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ tám HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021

Thứ 2, 08/07/2019 | 08:51:22
1,123 lượt xem
Kỳ họp thứ tám HĐND tỉnh khóa XVI diễn ra từ ngày 10 - 12/7/2019. Phóng viên Báo Thái Bình đã ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân gửi tới kỳ họp.

Kỳ họp thứ bảy HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh minh họa

Ông Lê Văn Hòa, xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư


Khi tỉnh thực hiện chương trình nước sạch nông thôn, cán bộ, nhân dân thôn Thắng Lợi, xã Hòa Bình vui mừng, phấn khởi, tích cực đóng tiền để được đấu nối và sử dụng nước sạch từ năm 2014. Song niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, nước sạch chỉ đủ dùng trong 6 tháng đầu, sau đó tình trạng thiếu nước liên tục diễn ra, nhất là khi thời tiết nắng nóng và vào dịp tết Nguyên đán khiến hàng trăm hộ dân của thôn Thắng Lợi lo lắng, gặp khó khăn trong sinh hoạt. Thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt nên trên 300 hộ dân trong thôn vẫn phải dùng cả nước ao, nước giếng không bảo đảm vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, nhân dân thôn Thắng Lợi kiến nghị HĐND tăng cường giám sát, UBND các cấp chỉ đạo, yêu cầu nhà máy nước nâng cấp đường ống dẫn nước, tăng thời gian bơm cấp nước để sớm chấm dứt tình trạng thiếu nước sạch, giúp bà con ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Khoa, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ


 Thực hiện Quyết định số 3942/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 của UBND tỉnh phê duyệt đề án xóa bỏ lò sản xuất vôi tại khu vực cầu Nghìn, thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ), 30 chủ lò đã ủng hộ chủ trương của tỉnh, đồng thuận phá dỡ 64 lò vôi bằng 115 ruột lò đúng tiến độ của đề án. Sau xóa bỏ lò vôi các hộ được yêu cầu không được kiến thiết xây dựng chờ quy hoạch. Thế nhưng đã mấy năm trôi qua, nhà cửa của các hộ nơi đây đang xuống cấp cần phải tu sửa, chưa có nghề nghiệp khác để phát triển kinh tế gia đình. Chúng tôi đề nghị tỉnh, huyện sớm công bố quy hoạch, cho phép các hộ sửa chữa nhà cửa, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp để các hộ phát triển kinh tế ổn định cuộc sống.
     

Ông Vũ Thụy Sỹ, xã Hòa Bình, huyện Hưng Hà

Thời gian gần đây, lợi dụng chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn, một số doanh nghiệp đã được sự cho phép của chính quyền xã tổ chức hội thảo quảng bá sản phẩm tràn lan, sau đó đưa hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng về các vùng nông thôn bán với giá trên trời. Các doanh nghiệp đánh vào lòng tham, sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng nên tung ra chiêu trò khuyến mại, giảm giá để bán hàng kém chất lượng. Khi người dân phát hiện sản phẩm không sử dụng được hoặc chất lượng hàng không như quảng cáo thì doanh nghiệp đã cao chạy xa bay, không thể trả hàng và đòi tiền lại. Việc UBND các xã cho phép các doanh nghiệp tổ chức hội thảo, bán hàng kém chất lượng đã vô tình tiếp tay cho những đơn vị làm ăn bất chính lừa gạt người dân. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành có liên quan phải quản lý chặt chẽ việc đưa hàng Việt về nông thôn, xử lý nghiêm các doanh nghiệp và các địa phương để xảy ra tình trạng đưa hàng giả, hàng kém chất lượng về nông thôn. HĐND tỉnh phối hợp với ngành chức năng, tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nhất là quản lý hàng hóa nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

Ông Phạm Song Hỷ, xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng


 Đến nay, toàn huyện Đông Hưng có tổng số lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy là trên 52.000 con với trọng lượng trên 2.600 tấn. Riêng xã Đông Kinh, số lợn tiêu hủy là 3.500 con với trọng lượng trên 200 tấn. Thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra cho người chăn nuôi là rất lớn. Hiện nay, người chăn nuôi lâm vào cảnh khó khăn, lao đao vì nợ nần, không có kinh phí để tái đàn. Vì vậy, tỉnh cần sớm hỗ trợ kinh phí giúp giảm thiệt hại cho các hộ chăn nuôi có lợn bị bệnh phải tiêu hủy; đồng thời nâng mức hỗ trợ cho người tham gia tiêu hủy. Hiện nay, nhiều địa phương đã khống chế được bệnh dịch tả lợn châu Phi, đã công bố hết dịch, các hộ chăn nuôi đang chuẩn bị các hệ điều kiện để khi được phép sẽ tổ chức tái đàn, tuy nhiên các hộ chăn nuôi, nhất là các hộ có lợn phải tiêu hủy đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Đề nghị tỉnh chỉ đạo ngân hàng giãn nợ và tiếp tục cho các hộ chăn nuôi vay vốn thực hiện tái đàn.

Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày