Thứ 7, 16/11/2024, 01:47[GMT+7]

Tranh luận thẳng thắn, tìm giải pháp cho những vấn đề nổi cộm (Kỳ 4)

Thứ 5, 08/08/2019 | 08:26:32
455 lượt xem

Xây dựng nhà kiên cố trái phép trong hành lang bảo vệ đê tại xã Bạch Đằng (Đông Hưng).

Kỳ 4: Nhiều sai phạm trong quản lý đất đai

Đại biểu Trịnh Quang Hiệp, tổ Hưng Hà chất vấn đồng chí Nguyễn Xuân Khánh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về nội dung: Có bao nhiêu tổ chức, cá nhân tự ý thỏa thuận với hộ dân để thu gom đất nông nghiệp, san lấp, xây dựng công trình nhưng chưa được cấp thẩm quyền cho phép? Có bao nhiêu doanh nghiệp trong cụm công nghiệp sử dụng đất sai mục đích, không bảo đảm môi trường? Trách nhiệm thuộc về cơ quan nào, nguyên nhân và giải pháp khắc phục?

Trả lời câu hỏi này, đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có tình trạng một số tổ chức đã thực hiện thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp với các hộ gia đình, cá nhân hoặc thỏa thuận chi tiền bồi thường cho các hộ dân và tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng công trình để thực hiện dự án trước khi được cấp có thẩm quyền quyết định giao đất/cho thuê đất/chuyển mục đích sử dụng đất. Từ năm 2016 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thanh tra, kiểm tra đối với 41 tổ chức san lấp mặt bằng, xây dựng công trình để thực hiện dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định giao đất/cho thuê đất/chuyển mục đích sử dụng đất. Hành vi trên là vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, tuy nhiên, đa số các trường hợp trên phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Sở đã yêu cầu các tổ chức dừng hành vi vi phạm, khẩn trương hoàn thiện thủ tục về đất đai trình cấp thẩm quyền quyết định; trường hợp không được cấp thẩm quyền cho phép thì phải khôi phục lại tình trạng đất trước khi vi phạm. Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 41 tổ chức, số tiền 1,745 tỷ đồng, đến nay 39 tổ chức đã chấp hành nộp phạt, số tiền 1,662 tỷ đồng. 16 tổ chức đã hoàn thiện thủ tục về đất đai theo quy định, 21 tổ chức đang hoàn thiện thủ tục, 4 tổ chức chưa làm thủ tục.

Một ngôi biệt thự xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại thôn Vũ Trường, xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình).

Theo đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Để xảy ra tình trạng trên trách nhiệm trước hết thuộc về tổ chức, cá nhân sử dụng đất để thực hiện dự án không chấp hành quy định của pháp luật về quản lý đất đai, bảo vệ môi trường và cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, đặc biệt là cấp cơ sở. Nguyên nhân là do ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý đất đai của một số tổ chức, cá nhân chưa cao. Việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý, báo cáo kịp thời của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở còn hạn chế, còn hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Nhiều tổ chức khi làm thủ tục về đất đai tại Sở Tài nguyên và Môi trường, quá trình thẩm tra hồ sơ mới phát hiện vi phạm. Đa số các trường hợp đã có thủ tục về chủ trương đầu tư, khi Sở Tài nguyên và Môi trường nắm được thông tin thì công trình đã đầu tư kinh phí lớn nên chỉ phạt tiền, cho tồn tại công trình và hoàn thiện thủ tục nên không đủ tính răn đe. Việc quy định nhà đầu tư phải thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện ngoài khu, cụm công nghiệp dẫn đến gặp khó khăn do người dân không hợp tác với doanh nghiệp, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ của cán bộ cấp cơ sở bảo đảm phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm từ khi mới phát sinh; kiên quyết thực hiện yêu cầu thu dỡ, trả lại mặt bằng khi không đủ thủ tục pháp lý khi đã có yêu cầu của cấp cơ sở. Xử lý nghiêm các vi phạm, trường hợp không phù hợp quy hoạch thì kiên quyết tháo dỡ công trình.

Cần có giải pháp xử lý doanh nghiệp sử dụng đất sai mục đích

Đối với nội dung doanh nghiệp trong cụm công nghiệp sử dụng đất sai mục đích, không bảo đảm môi trường theo quy định, đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Qua thanh tra, kiểm tra từ năm 2015 đến nay xác định có 21 doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích với diện tích 24.146m2, 25 doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Không thực hiện quan trắc, giám sát môi trường định kỳ theo quy định hoặc có thực hiện nhưng không đủ tần suất; chưa hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải; chưa phân loại, thực hiện lưu giữ chất thải nguy hiểm theo quy định, chưa bố trí khu lưu giữ chất thải nguy hiểm hoặc đã bố trí nhưng chưa bảo đảm quy định. Một số đơn vị hoạt động nhưng chưa có thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường, trong quá trình hoạt động xả thải nước vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường, đặc biệt là các doanh nghiệp nấu giặt tẩy nhuộm tại Cụm công nghiệp làng nghề Thái Phương. Về lĩnh vực đất đai, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt vi phạm hành chính 3 doanh nghiệp với tổng số tiền 256,6 triệu đồng và yêu cầu biện pháp khắc phục hậu quả. Lĩnh vực bảo vệ môi trường xử phạt vi phạm hành chính 11 doanh nghiệp với tổng số tiền 328 triệu đồng, kèm theo các biện pháp khắc phục hậu quả. Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8 doanh nghiệp với tổng số tiền 1.210,6  triệu đồng và đình chỉ hoạt động với 2 doanh nghiệp, tạm thời đình chỉ hoạt động với 4 doanh nghiệp và yêu cầu các doanh nghiệp có các biện pháp khắc phục hậu quả.

Nhà cao tầng xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại thôn Vũ Trường, xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình).

Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm trước hết thuộc về các tổ chức, cá nhân sử dụng đất để thực hiện dự án không chấp hành đúng các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, bảo vệ môi trường và các trung tâm phát triển cụm công nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực được giao. Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường của một số tổ chức, cá nhân chưa cao. Việc phát hiện, ngăn chặn, báo cáo kịp thời của trung tâm phát triển cụm công nghiệp còn hạn chế. Việc phối hợp của chính quyền các cấp trong quản lý còn hạn chế, còn hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Hiện nay, các quy định của pháp luật về quản lý đất đai không có chế tài xử lý vi phạm đối với các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích theo quyết định giao đất/cho thuê đất hoặc giấy chứng nhận sử dụng đất đối với nhóm ngành (sản xuất kinh doanh hoặc thương mại dịch vụ) nên một số doanh nghiệp cố tình sử dụng đất không đúng mục đích cho thuê đất. Quy định về mức xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với một số hành vi còn thấp nên chưa đủ sức răn đe. Số lượng cán bộ làm công tác thanh, kiểm tra ít trong khi số lượng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lớn, chủ yếu căn cứ thông tin rà soát các đơn vị có dấu hiệu vi phạm từ cơ sở, do đó việc tự phát hiện vi phạm từ chương trình thanh, kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường chưa nhiều.

Từ những khó khăn trên, đồng chí Nguyễn Xuân Khánh đề nghị Nhà nước cần phải sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, bổ sung các trường hợp thu hồi đất và hoàn thiện quy trình cưỡng chế thu hồi đất do vi phạm từ bước cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc, làm cơ sở pháp lý cho cơ quan nhà nước thực thi công vụ. Tăng cường thanh, kiểm tra trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai; thường xuyên nắm tình hình, kiểm tra, xử lý kịp thời các tổ chức có vi phạm. Rà soát, kiện toàn bộ máy nhân lực ở các cấp đủ về số lượng, tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ. Lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến đất đai nếu thuộc trường hợp xử lý vi phạm, trường hợp không thực hiện được xử lý vi phạm đất đai ngay thì xử lý vi phạm về đầu tư và các lĩnh vực liên quan, từ đó sẽ tiến hành xử lý về đất đai.

Nguyễn Hình – Thu Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày