Thứ 7, 16/11/2024, 06:48[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Thứ 4, 23/10/2019 | 15:58:34
1,482 lượt xem
Ngày 23/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội trường

Audio: 2310_thoia_quoc_hoi_thao_luan_mixdown.mp3

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, cũng như tham vấn, khảo sát, lấy ý kiến rộng rãi, dự thảo đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung như về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, về giải quyết tranh chấp lao động và đình công; một số quy định chung; việc làm, tuyển dụng và quản lý lao động; hợp đồng lao động; tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; mức lương tối thiểu; Hội đồng tiền lương quốc gia; nâng lương, nâng bậc, chế độ phụ cấp, trợ cấp...Tuy nhiên vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau như mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; về tuổi nghỉ hưu; thời giờ làm việc bình thường; nghỉ lễ, Tết; tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Phát biểu tại hội trường, đa số ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhất trí với bố cục, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung sửa đổi của Bộ luật. Các đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Kỳ họp này nhưng phải trên cơ sở thảo luận, cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng nhiều chiều, phải có thêm đánh giá tác động toàn diện về các nội dung của dự án Bộ luật, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thông tin truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng nếu được thông qua dự án luật sẽ tạo ra một bước đột phá mới trên hai hướng bao trùm hơn và hội nhập hơn. Bao trùm hơn vì lần đầu tiên dự luật đã đưa đối tượng điều chỉnh cả 55 triệu người trong độ tuổi lao động của nước ta để bảo vệ và thúc đẩy một quyền cơ bản được hiến định của người lao động là quyền có việc làm. Hội nhập hơn vì dự luật đã tiếp cận các tiêu chuẩn lao động quốc tế, về lao động trẻ em, về lao động cưỡng bức đã mở đường cho sự thành lập của tổ chức đại diện cho người lao động ở cơ sở ngoài hệ thống của tổ chức Tổng liên đoàn, đó là yêu cầu phát triển tự thân của nền kinh tế thị trường nước ta và cũng là để tuân thủ các cam kết về hội nhập; Về thời gian làm việc bình thường, đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành. Đại biểu cho rằng nếu rút ngắn hơn nữa thời gian lao động bình thường sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, khó đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Việc giảm giờ làm trong điều kiện hiện nay không mang lại lợi ích cho người lao động, chi phí của doanh nghiệp tăng lên, giảm cạnh tranh của doanh nghiệp, doanh nghiệp buộc thu hẹp sản xuất thì ảnh hưởng đến việc làm của người lao động; Về thời gian làm thêm, đại biểu đề nghị thực hiện phương án 2 nới rộng có chừng mực khung thoả thuận làm thêm, theo đó đối với một số ngành nghề đặc biệt thời gian làm thêm không quá 400 giờ trong 1 năm. Đây là khung giờ để người lao động và người sử dụng lao động tự thoả thuận với nhau. Người lao động có quyền lựa chọn làm thêm hoặc từ chối làm thêm và cũng chỉ giới hạn trong một số rất ít ngành nghề đặc thù ở thời vụ cao điểm…

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu về vấn đề làm sao giảm giờ làm việc nhưng tăng thu nhập cho người lao động. Mấu chốt của vấn đề này là tăng năng suất lao động và muốn tăng năng suất lao động phải tăng chất lượng của người lao động. Đại biểu đề nghị bổ sung vào Chương IV là giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề, bổ sung quy định về doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề. Đề nghị quy định thời gian tập nghề theo chương trình đào tạo của từng trình độ cụ thể và phải ký hợp đồng đào tạo được trả lương theo thoả thuận và không thấp hơn 85% lương tối thiểu vùng; quy định doanh nghiệp phải có trách nhiệm bố trí nhân sự, đầu tư cho đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động,…

Vũ Sơn Tùng

Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày