Thứ 7, 16/11/2024, 07:47[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018

Thứ 4, 13/11/2019 | 15:04:57
1,460 lượt xem
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội nghe báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018. Nội dung quan trọng này được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Các vị đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận.

Audio: 1411_quoc_hoi_mixdown.mp3

Thực hiện Nghị quyết số 62/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội và Kế hoạch giám sát (ban hành kèm theo Nghị quyết) “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014-2018", Đoàn giám sát đã tổ chức các buổi làm việc, nghe Chính phủ và các bộ, ngành chức năng trực tiếp báo cáo. Đoàn cũng tổ chức các đoàn công tác tiến hành giám sát tại một số địa phương và các cơ quan, đơn vị cơ sở trên cả miền Bắc, miền Trung, miền Nam; đồng thời, yêu cầu Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương trên toàn quốc tổ chức giám sát tại địa phương và gửi kết quả về Đoàn giám sát để nghiên cứu, xem xét.

Theo báo cáo kết quả giám sát thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo; các địa phương, cơ sở tích cực thực hiện với nhiều hình thức, phương pháp đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về công tác PCCC. Mặc dù vậy, hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao, các hình thức, biện pháp tuyên truyền thiếu chiều sâu, chậm đổi mới; kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền còn hạn hẹp… nên đã hạn chế ý thức về PCCC của người dân ở nhiều nơi, nhất là những người sống ở vùng sâu, vùng xa.

Trong giai đoạn giám sát, toàn quốc đã thẩm duyệt PCCC đối với 58.504 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu về PCCC cho 29.230 dự án, công trình. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC; tính đến tháng 7/2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. Công tác kiểm định và chứng nhận an toàn đối với các phương tiện giao thông có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC được thực hiện nghiêm túc với sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan Cảnh sát PCCC, nên các vụ cháy đối với phương tiện giao thông có yêu cầu đặc biệt về PCCC trên cả nước chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Về công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong các vụ cháy, nổ, giai đoạn 2014-2018, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng mới 96.792 phương án chữa cháy, tổ chức thực tập 52.032 phương án, trong đó có 3.642 phương án xử lý tình huống cháy, nổ lớn có huy động nhiều lực lượng. Trong 4 năm, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tham gia và phối hợp với các lực lượng dập tắt được gần 10 nghìn vụ cháy (chiếm 73,1% số vụ cháy); lực lượng PCCC tại chỗ xử lý được trên 3 nghìn vụ cháy từ khi phát sinh.

Mặc dù vậy, việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy ở một số cơ sở vẫn còn tính hình thức hoặc đối phó. Việc xây dựng, bố trí các điều kiện chữa cháy (giao thông, nguồn nước, phương tiện...) chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu chữa cháy. Nhiều vụ cháy do nhiều lý do không được dập tắt kịp thời đã bùng phát thành cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; công tác phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng PCCC chưa thực sự chặt chẽ.

Trên cơ sở báo cáo của Đoàn giám sát, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến để thấy rõ tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014-2018 và những giải pháp để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới.

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày