Thứ 7, 23/11/2024, 16:25[GMT+7]

Bảo vệ vành đai xanh

Thứ 6, 27/04/2018 | 10:01:18
881 lượt xem
Thái Bình là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu , vì thế, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn có vai trò rất quan trọng. Tuy diện tích không nhiều nhưng rừng ngập mặn ở Thái Bình là vành đai xanh, có vị trí và vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiện Thái Bình có 9.609,3ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trong đó có 3.367,38ha rừng (rừng đặc dụng 827,62ha; rừng phòng hộ 2.519,76ha). Diện tích rừng của tỉnh tập trung tại 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy, chủ yếu là rừng trồng. Ngoài diện tích trên, tỉnh ta còn có 654,94ha rừng mới trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng. 

Những năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với mục tiêu bảo vệ, duy trì và phát triển rừng hiện có, tăng cường trách nhiệm trong quản lý nhà nước về rừng của các cấp chính quyền, vận động các tổ chức và người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Một số dự án đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh như: dự án phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011 - 2015, dự án trồng cây chắn sóng bảo vệ đê biển số 5 từ K14+125 đến K14+800, dự án trồng rừng ngập mặn giảm thiểu rủi ro thảm họa, dự án phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển ở tỉnh Thái Bình do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, dự án phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển tỉnh Thái Bình nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng… 

Gần đây, Thái Bình là một trong bốn địa phương được tham gia dự án bảo tồn và quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển khu vực đồng bằng sông Hồng do Ngân hàng Tái thiết Đức tài trợ với tổng kinh phí thực hiện dự kiến 268,9 tỷ đồng, thực hiện trong 4 năm (2018 - 2022). Thông qua các dự án giai đoạn từ 2015 - 2020, tính đến tháng 3 năm 2018 đã có 511,6ha rừng được trồng mới. Việc thực hiện các dự án được đánh giá giúp phục hồi diện tích rừng bị suy thoái, gia tăng diện tích rừng của tỉnh, tạo việc làm cho cư dân ven biển thông qua các hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, sản xuất cây giống. 

Tuy nhiên, việc trồng rừng ven biển luôn chịu tác động của các yếu tố bất lợi như bão, lốc, triều cường, rét đậm kéo dài, rác thải từ các cửa sông đổ ra vùi lấp do vậy làm chết rừng non. Rừng mới trồng cũng gặp khó khăn khi sinh vật hà bám làm cây non sinh trưởng kém, bị chết. Kinh phí trồng, bảo vệ rừng phụ thuộc vào các dự án, thường phân bổ chậm, không đủ so với kế hoạch… Công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. 

Do áp lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, sinh kế của hàng nghìn người dân sống xung quanh rừng, hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản (đào don, đun te, bơm cát cải tạo bãi ngao…) ảnh hưởng đến diện tích rừng mới trồng. Một số địa phương còn tình trạng nuôi ngao tự phát gây khó khăn trong giải phóng mặt bằng để thực hiện trồng rừng trong diện tích đã quy hoạch cho đất lâm nghiệp; tình trạng chăn thả gia súc chưa được kiểm soát.

Người dân xã Đông Long (Tiền Hải) vận chuyển cây giống để trồng rừng.

Thời gian tới, tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương và các cấp, ngành; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Lưu Ngần