Tiến vào dinh Độc Lập
Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, chiếc võng dù - một trong những kỷ vật của người lính cựu được gia đình ông trang trọng treo ở phòng khách và sử dụng như một vật dụng thân thuộc hơn 40 năm qua. Cầm chiếc “ăng-gô” (ca inox của lính Mỹ sử dụng trong chiến tranh) trên bàn uống nước, ông Khanh bảo đó cũng là một trong những kỷ vật quý giá ông luôn lưu giữ để nhớ về kỷ niệm ngày giải phóng Sài Gòn.
Tự hào người lính công binh
Vốn là công nhân kỹ thuật cầu đường của Bộ Giao thông Vận tải, năm 1964, theo tiếng gọi của đất nước, ông Khanh trở thành người lính công binh của Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3, bắt đầu chiến đấu ở vùng Thượng Lào. Là bộ đội công binh, ông cùng đồng đội có nhiệm vụ đi trước mở đường để dẫn tăng, dẫn pháo vào các trận địa, đặc biệt các chiến dịch lớn cần tiến hành trước vài tháng hoặc cả năm để khảo sát, mở đường.
Để bảo đảm bí mật, ông cùng đồng đội cưa cây, san rừng, bạt núi... toàn bộ vào ban đêm, sử dụng cưa tay, cuốc, xẻng để cắt cây, khoét núi nhằm tránh phát ra tiếng động lớn, địch phát hiện được sẽ nguy hiểm. Đặc biệt, tuyến đường dù đã được “mở” nhưng phải được ngụy trang hết sức tự nhiên, ví dụ cây được cưa 3/4 thân, cây vẫn đứng nhưng khi ta tiến công có thể dùng xe nhanh chóng ủi đổ cây để giao thông thông suốt. Bộ đội công binh làm đến đâu thì đào hầm chữ A trú ẩn bí mật đến đó. Trong một lần đang trú ẩn tại hầm, ông Khanh cùng 3 đồng đội bị Mỹ ném bom trúng, hất tung 4 người lên không trung, hai đồng đội hy sinh, ông và 1 đồng đội bị thương nặng, mảnh bom văng găm vào đầu và nhiều nơi trên cơ thể.
Ông Khanh nhớ mãi một buổi sáng năm 1970 khi đang ở giữa suối tắm giặt bất ngờ bị 2 chiếc trực thăng của Mỹ quây vòng tròn trên đầu, liên tiếp bắn xuống. Vừa mau chóng cởi bỏ bộ quân phục, xếp lên một mỏm đá nhỏ ở lòng suối rồi đội chiếc mũ cối lên, giả làm người ông vừa lặn sâu, vừa bơi lách vào bờ, men theo sườn núi chạy thoát, lúc ngoái lại nhìn ông thấy tốp phi công Mỹ leo thang dây xuống nhưng chỉ bắt được bộ quần áo và cái mũ, lúc đó ông mới biết âm mưu của địch là muốn bắt sống mình.
Dù nhiệm vụ thầm lặng “đi trước về sau”, lại nhiều gian khổ, hiểm nguy nhưng hơn 10 năm là bộ đội công binh ông Khanh luôn tự hào đã cùng đồng đội góp phần quan trọng mở đường, dẫn đường, bảo đảm giao thông thông suốt để quân ta hành quân, thực hiện nhiều chiến dịch lớn, quan trọng như chiến dịch đường 9 - Khe Sanh (1968), chiến dịch xuân hè 1972, chiến dịch đường 14, chiến dịch Tây Nguyên (1975), đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh (1975).
Tiến vào dinh Độc Lập
Từ đầu năm đến tháng 4/1975, đơn vị ông Khanh được lệnh di chuyển dần từ Buôn Mê Thuột vào Sài Gòn. Ông Khanh cho biết: Đánh đến đâu ta chiếm luôn phương tiện, vũ khí của địch để tiến công đến đấy. Ông Khanh là người trực tiếp lái chiếc xe quân sự GMC của Mỹ để chở một số đồng đội tiến vào Sài Gòn, những đồng đội còn lại hành quân bộ. Đến sáng ngày 30/4 ông đã có mặt tại Sài Gòn, tuy nhiên, do Mỹ đánh sập một chiếc cầu gây khó khăn cho ta hành quân nên ông cùng lính công binh đã dừng lại sửa cầu, dẫn tăng, dẫn pháo. Thời điểm đó, địch dùng pháo từ nội thành Sài Gòn bắn ra nhưng cán bộ, chiến sĩ, lính xe tăng vẫn dũng cảm cho xe nổ máy liên tục chắn đạn giúp ông và bộ đội công binh yên tâm sửa cầu. Trong khi đó, lúc 11 giờ 30 phút, bộ đội ta từ các mũi tấn công đã đánh chiếm, bắt sống cơ quan đầu não của địch, cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập giải phóng Sài Gòn. Khi sửa cầu, dẫn tăng, dẫn pháo xong, ông Khanh lại mải mốt lái chiếc xe GMC tiến thẳng vào dinh Độc Lập, vào đến dinh đã gần 13 giờ.
“Khi tôi vào, thấy cổng dinh Độc Lập bị húc đổ nằm ngổn ngang, chiếc xe tăng của ta vẫn nằm ở sân; toàn bộ bộ máy chính quyền, binh lính của chính quyền Sài Gòn đã bị bắt giữ và giải đi, chỉ còn lại cán bộ, chiến sĩ của ta vào tiếp quản dinh Độc Lập. Gương mặt ai cũng hân hoan, vui sướng. Khi đó, tôi xúc động lắm, tôi thật không thể tin được có ngày quân ta lại đánh chiếm được cơ quan đầu não lớn nhất của địch, càng không thể tin bản thân mình được cùng những đồng chí, đồng đội bước vào dinh Độc Lập trong thời khắc lịch sử của cả dân tộc. Dù gấp gáp, tôi cố tranh thủ chạy xem hầu hết các phòng ốc trong dinh. Khi trở ra, tôi thấy mấy vật dụng như võng dù, bình đông, xẻng đa năng, ăng-gô đựng nước… mà lính Mỹ - ngụy vứt chỏng chơ ở hành lang trên đường chạy thoát thân, tôi liền nhặt để phòng khi bộ đội ta cần sử dụng. Về sau, những vật này gắn bó với tôi hơn 40 năm và cho đến tận bây giờ. Sau giờ phút ngắn ngủi được vào dinh Độc Lập, tôi được lệnh trở ra làm nhiệm vụ quân quản nhưng những hình ảnh xúc động, tự hào ngày ấy chưa khi nào nguôi ngoai trong tâm trí tôi"- Ông Khanh xúc động cho biết.
Nhiều năm đã trôi qua nhưng khi hỏi lại chuyện chiến đấu ngày xưa, ông Bùi Ngọc Toàn, xã Tân Bình, thành phố Thái Bình, đồng đội cùng Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3 với ông Khanh vẫn ngậm ngùi tiếc nuối: “Ngày 30/4/1975, theo chỉ huy, chỉ có ông Khanh và một số ít chiến sĩ của ta được vào dinh Độc Lập. Chúng tôi hành quân bộ, trong không khí sục sôi tôi cũng hy vọng được tiến vào dinh, tuy nhiên, khi còn cách khoảng vài cây số thì tôi được lệnh rút ra làm nhiệm vụ quân quản ở các cụm cứ điểm bên ngoài. Dù không được vào dinh nhưng được có mặt ở Sài Gòn vào ngày 30/4 lịch sử với tôi cũng là niềm vui sướng, hãnh diện lớn. Ngày 30/4 và những ngày sau đó, khi chúng tôi hành quân ở đường, nhân dân đổ ra vẫy cờ hoa chào mừng, nhiều người mang đường, sữa, lương khô, nước uống cho bộ đội giải phóng, còn chúng tôi ai cũng sung sướng, lâng lâng một cảm xúc khó tả".
Ông Vũ Tuấn Khanh (người bên trái) bên chiếc võng dù thu được ngày 30/4/1975.
Mỗi dịp tháng 4 về, trong lòng những người chiến sĩ giải phóng Sài Gòn như ông Khanh, ông Toàn… lại trào dâng niềm xúc động xen lẫn tự hào. Trở về đời thường, cuộc sống với bao khó khăn vất vả nhưng ký ức hào sảng về ngày giải phóng Sài Gòn giúp những cựu binh thêm yêu, trân trọng cuộc sống bình yên và nỗ lực truyền ngọn lửa anh hùng cho thế hệ trẻ để giữ vững biên cương, bờ cõi.
Quỳnh Lưu
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng