Chủ nhật, 10/11/2024, 10:11[GMT+7]

Chi trả trợ cấp xã hội qua bưu điện: Hướng tới sự hài lòng của đối tượng

Thứ 6, 11/05/2018 | 09:05:58
2,437 lượt xem
Chi trả trợ cấp xã hội qua bưu điện là hình thức chuyển từ phương thức chi trả chính sách trợ giúp xã hội từ cơ quan nhà nước (UBND cấp xã) sang chi trả thông qua tổ chức dịch vụ tại địa phương (Bưu điện tỉnh). Được thực hiện từ đầu năm 2017, đến nay, bên cạnh những mặt tích cực về bảo đảm tính công khai, minh bạch, việc chi trả cũng bộc lộ một số tồn tại cần sớm khắc phục để hướng tới sự hài lòng của đối tượng.

Cán bộ bưu điện chi trả trợ cấp xã hội cho đối tượng tại xã Việt Hùng (Vũ Thư).

Công khai, minh bạch trong chi trả

Theo Hướng dẫn liên ngành số 16 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và Bưu điện tỉnh, việc chi trả trợ cấp cho các đối tượng được thực hiện theo quy trình gồm 4 bước, từ lập danh sách và thông báo chi trả trợ cấp; chuyển tiền và thực hiện chi trả; báo cáo quyết toán; xác định khối lượng dịch vụ chi trả hoàn thành và thanh toán thù lao được hưởng cho Bưu điện. Như vậy, việc chi trả trợ cấp chặt chẽ, công khai và đúng đối tượng so với trước. Trước đây, nếu đối tượng hưởng trợ cấp không đến lĩnh có thể nhờ người thân, hàng xóm lĩnh hộ và một người có thể lĩnh cho nhiều người dễ dẫn đến thất lạc kinh phí hoặc có trường hợp nhiều tháng đối tượng mới đến nhận chế độ thì nay việc chi trả qua bưu điện yêu cầu bắt buộc trực tiếp đối tượng được hưởng đến lĩnh trợ cấp, nếu nhờ người khác lĩnh hộ phải có giấy ủy quyền của đối tượng, kinh phí tháng nào chi trả tháng đó, không để tồn dư. Vì vậy, sau 1 năm thực hiện chi trả qua hệ thống bưu điện đã bảo đảm được an toàn tiền trả trong quá trình chi trả. 

Theo thống kê, bình quân hàng tháng, cán bộ bưu điện đã thực hiện chi trả trợ cấp cho 105.709 đối tượng với tổng số tiền 499 tỷ đồng/năm, bình quân 41,5 tỷ đồng/tháng. Tỷ lệ lượt người được chi trả đạt gần 100%. 

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Giám đốc Bưu điện tỉnh chia sẻ: Lợi thế của chi trả theo hình thức này là Bưu điện tỉnh có hệ thống mạng lưới rộng khắp, bao phủ đến tận các xã, phường, thị trấn, dịch vụ chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn tiền trả trong quá trình chi trả, tinh thần và thái độ nhân viên phục vụ tốt. Bên cạnh đó, với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, Bưu điện tỉnh từng bước hướng đến tin học hóa công tác quản lý chi trả để cung cấp kịp thời số liệu chi trả hàng ngày theo yêu cầu quản lý của các cấp chính quyền, góp phần thực hiện tốt hơn công tác chi trả, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng.

Huyện Đông Hưng có trên 170.000 lượt người hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Sau hơn 1 năm triển khai việc chi trả trợ cấp, các ngành, các địa phương trong huyện tích cực vào cuộc, nhờ đó đối tượng lĩnh trợ cấp hài lòng với cách chi trả mới. 

Ông Vũ Văn Trí, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện chia sẻ: Thay đổi phương thức chi trả không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc, vì vậy, để đối tượng hiểu và ủng hộ phương thức chi trả mới, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cũng như Bưu điện huyện luôn bám sát hướng dẫn và các văn bản chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ lao động - thương binh và xã hội với cán bộ bưu điện các cấp trong huyện, thường xuyên trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ. Nhờ làm tốt khâu phối hợp, hầu như hàng tháng số tiền tồn dư thấp, việc chi trả rất thuận lợi.

Hướng tới sự hài lòng của đối tượng

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực song quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại cần sớm khắc phục. 

Bà Nguyễn Thị Hải Hồng, Trưởng phòng Bảo trợ (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Việc triển khai thực hiện phương thức chi trả qua bưu điện ở một số địa phương chưa được quan tâm, còn tâm lý e ngại khi chuyển đổi phương thức chi trả; sự phối hợp giữa cán bộ bưu điện với cán bộ lao động - thương binh và xã hội cấp xã chưa gắn kết dẫn đến việc cập nhật tình hình biến động số đối tượng và thay đổi điều kiện hưởng trợ cấp của đối tượng được nhận trợ cấp hàng tháng nhiều nơi chưa đầy đủ, kịp thời. Công tác báo cáo kết quả chi trả giữa bưu điện huyện và phòng lao động - thương binh và xã hội huyện chậm so với thời gian quy định dẫn đến việc thanh quyết toán và chuyển tiền chi trả trợ cấp bị chậm. Bên cạnh đó, việc cập nhật tình hình biến động số đối tượng và thay đổi điều kiện hưởng trợ cấp xã hội của đối tượng nhiều nơi chưa đầy đủ, kịp thời; chưa chủ động chi trả tận tay đối với người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi... khi không có người nhận thay; công tác kiểm tra giám sát chưa thường xuyên...

Để hướng tới sự hài lòng của đối tượng, tại hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện, đồng chí Nguyễn Thị Lĩnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thời gian tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần phối hợp chặt chẽ với Bưu điện tỉnh trong việc chỉ đạo bộ phận chuyên môn thực hiện nghiêm việc chi trả; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách bảo trợ xã hội để người dân hiểu và hưởng ứng phương thức chi trả mới; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi trả để kịp thời tháo gỡ khó khăn; đồng thời, các địa phương cần vào cuộc quyết liệt để giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến nhận trợ cấp.

Nguyễn Cường