Thứ 7, 16/11/2024, 08:42[GMT+7]

Kiên quyết gỡ bỏ mọi rào cản thực hiện giáo dục mở

Thứ 5, 17/05/2018 | 08:05:13
805 lượt xem
Phát biểu tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tất cả những rào cản được nhận diện cản trở giáo dục mở phải được gỡ bỏ một cách kiên quyết, ví dụ như: Địa điểm đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào,…

Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc gia. Ảnh: VA

Ngày 16/5, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Hiệp hội Vì giáo dục mọi người Việt Nam và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo Hội thảo.

Hội thảo đề cập đến một chủ đề khá rộng, có những vấn đề mang tính học thuật, có những vấn đề mang tính thực tiễn, tính dự báo, có những vấn đề mang tính thời sự cấp bách; xoay quanh 6 nhóm vấn đề: Khái niệm giáo dục mở, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục mở; tài nguyên giáo dục mở; giáo dục mở và xây dựng xã hội học tập; các vấn đề khác có liên quan.

Những vấn đề này góp phần nhận thức sâu sắc, trên cơ sở khoa học và thực tiễn các chủ trương, quan điểm của Đảng về giáo dục mở, mà trọng tâm là Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Tại Hội thảo khoa học, GS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học - Cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ, hệ thống giáo dục mở không phải là một hệ thống khác, xuất hiện như sự bổ sung, đứng cạnh giáo dục truyền thống mà phải thâm nhập, thẩm thấu vào nền giáo dục truyền thống; yếu tố mở nằm trong toàn bộ hệ thống giáo dục, kể cả trong các cơ sở đào tạo truyền thống.

“Tất cả các giải pháp của nền giáo dục tạo ra cơ hội được tiếp cận với giáo dục rộng rãi cho tất cả mọi người, tạo cơ hội cho người học có thể lựa chọn phương thức học thích hợp với điều kiện cá nhân mình, từ mục tiêu đào tạo, chương trình, lựa chọn trường học, thời gian học liên tục hay gián đoạn, lựa chọn tốc độ hoàn thành chương trình, thậm chí lựa chọn cả thầy giáo… Trong quá trình đó, người học có thể tùy chỉnh nội dung thích hợp theo yêu cầu riêng. Sự tự chủ của người học là rất cao, tạo điều kiện cho việc cá nhân hóa giáo dục”- GS Trần Hồng Quân bày tỏ.

Chia sẻ về những rào cản khi xây dựng hệ thống giáo dục mở ở Việt Nam, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ GD&ĐT cho rằng, giáo dục mở đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho cả Nhà nước và người học, nhưng đó là về lâu dài, còn ban đầu lại đòi hỏi có sự đầu tư lớn về hạ tầng và phần mềm. Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, đây là một rào cản lớn. Đó là việc thiếu nguồn lực tài chính cần thiết để đầu tư vào phần cứng, phần mềm, cùng các chi phí để xây dựng, phát triển các dự án giáo dục mở…

Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, một rào cản nữa, đó là sức ỳ của hệ thống giáo dục ở nước ta. Trong 30 năm đổi mới vừa qua, đã có nhiều bước tiến quan trọng nhưng vẫn chủ yếu là một hệ thống đóng, tập trung đầu vào và hướng tới thi cử.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VA

Sau khi lắng nghe các ý kiến của các nhà khoa học về giáo dục mở, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ, đây không phải là hoạt động đầu tiên xây dựng hệ thống giáo dục theo hướng mở như tinh thần Nghị quyết của Đảng, nhưng đây là hội thảo quốc gia đầu tiên về hệ thống giáo dục mở.

Phó Thủ tướng cho hay, trong quá trình xây dựng và thực hiện Nghị quyết 29, Chính phủ đã bàn về giáo dục mở, đó là xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt trong quá trình bàn thảo, Chính phủ đã chỉ ra rằng, giáo dục mở xuất hiện ngay từ khi đất nước giành độc lập thông qua phong trào xóa mù chữ “bình dân học vụ”. Hơn nữa, chúng ta đã hình thành rất sớm 2 viện đại học mở (Viện Đại học mở Hà Nội, Viện Đại học mở bán công Thành phố Hồ Chí Minh).

Qua đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý một số vấn đề khi thực hiện giáo dục mở trong thời gian tới, cụ thể: Khi thực hiện Nghị quyết 29, chúng ta đã ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ giáo dục quốc gia Việt Nam. Đây là hai văn bản căn bản và hoàn toàn theo đúng hướng mở; cùng với đó, chúng ta ban hành hàng loạt đề án như: Đề án đào tạo từ xa, Đề án tăng cường công nghệ thông tin trong giảng dạy; Đề án tăng cường dạy ngoại ngữ … Và gần đây nhất Chính phủ thành lập Đề án “Xây dựng hệ tri thức Việt số hóa”, trong đó xây dựng toàn bộ tri thức không những là học liệu cho các trường đại học mà còn xây dựng cho mọi người tự học.

Đề cập đến giáo dục trong cuộc cách mạng 4.0, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vai trò giáo dục Việt Nam phải đi trước một bước. Tuy nhiên, thực tế nhiều người vẫn chưa hài lòng với kết quả chất lượng giáo dục đặc biệt là giáo dục đại học.  Do đó, mục tiêu cần đi trước và cần kiên trì, kiên quyết ngay lập tức là đưa vào hành lang pháp lý, tạo sức ép buộc các trường phải tự chủ. Khi tự chủ các trường buộc phải tìm cách làm sao học liệu tốt nhất để cạnh tranh được, nâng cao chất lượng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả những rào cản được nhận diện cản trở giáo dục mở phải được gỡ bỏ một cách kiên quyết ví dụ như: Địa điểm đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào,… Đồng thời tập trung kêu gọi xây dựng hệ thống học liệu mở, kêu gọi tinh thần chia sẻ, kêu gọi cộng đồng Việt hóa không phải chỉ dịch đơn thuần mà còn cải biến từ tài liệu quốc tế một cách phù hợp. Khi đó, Chính phủ, Bộ Khoa học và công nghệ cùng các nhà mạng lớn sẽ tham gia cung cấp hạ tầng vào học liệu xuống tới tận bậc phổ thông./.

Theo: dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày