Thứ 7, 23/11/2024, 21:43[GMT+7]

Thái Thụy: Phòng, trừ sâu bệnh cho lúa xuân

Thứ 2, 21/05/2018 | 08:34:00
892 lượt xem
Để bảo đảm năng suất lúa xuân, từ nay đến cuối vụ, UBND huyện Thái Thụy tăng cường chỉ đạo các ngành chuyên môn tổ chức tốt công tác điều tra, dự tính, dự báo các đối tượng sâu bệnh gây hại trên lúa xuân.

Nông dân huyện Thái Thụy phun trừ sâu bệnh gây hại lúa xuân.

Để tạo điều kiện cho lúa xuân phát triển tốt, bảo đảm năng suất cao, nông dân huyện Thái Thụy đang tích cực phun phòng, trừ sâu bệnh gây hại trong đó tập trung vào các đối tượng sâu bệnh hại cuối vụ như sâu cuốn lá, đục thân hai chấm, rầy, đạo ôn cổ bông...

Vụ xuân này, gia đình bà Phạm Thị Xuyến, thôn Vô Hối Tây, xã Thụy Thanh gieo cấy hơn 8 sào lúa. Hiện nay, lúa xuân của gia đình bà đang phát triển tốt và chuẩn bị trỗ bông. Bà Xuyến cho biết: Từ đầu vụ tới nay, tôi đã 4 lần phun phòng, trừ sâu bệnh cho lúa xuân, trong đó có 2 lần phun theo chiến dịch của địa phương phát động để trừ rầy môi giới bệnh lùn sọc đen và trừ sâu cuốn lá. Tuy nhiên, qua kiểm tra đồng ruộng tôi vẫn thấy các đối tượng sâu bệnh như sâu cuốn lá, rầy các loại đang phát sinh gây hại trên lúa với mật độ cao nên đã chủ động mua thuốc về phun trừ cho 100% diện tích lúa.

Cũng như bà Xuyến, gia đình ông Nguyễn Văn Thành, thôn Phong Lẫm, xã Thụy Phong cũng đang tích cực phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh cho lúa xuân. Theo nhận định của ông Thành: Vụ xuân năm nay, sâu bệnh phát sinh trên lúa xuân sớm và có diễn biến phức tạp như rầy các loại, bệnh đạo ôn trên lá, sâu cuốn lá, bệnh lùn sọc đen... Điều đó khiến chi phí cho phòng, trừ sâu bệnh của người dân cũng cao hơn mọi năm. Hiện nay, nguy hiểm nhất vẫn là bệnh lùn sọc đen, vì vậy để ngăn chặn kịp thời nguồn môi giới của bệnh này, tôi đã chủ động phun trừ rầy cho toàn bộ hơn 1 mẫu lúa của gia đình, đồng thời kết hợp với phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông và sâu đục thân hai chấm cho một số diện tích lúa đang trỗ bông.  

 Hiện nay, hơn 12.900ha lúa xuân của Thái Thụy đang phát triển tốt đều trên các trà lúa, giống lúa, trong đó trà lúa sớm đang ở giai đoạn trỗ bông. Để chủ động cho công tác phòng, trừ sâu bệnh, từ đầu vụ đến nay, UBND huyện đã phát động 2 chiến dịch phun trừ sâu bệnh. Trong đó, đợt 1 phát động chiến dịch trừ rầy từ ngày 27/3 đến ngày 5/4/2018. UBND huyện tổ chức cấp phát thuốc trừ rầy cho 100% diện tích gieo cấy lúa xuân. Các địa phương đã tổ chức tiếp nhận và cấp phát cho nhân dân để phun trừ kịp thời nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh. Đặc biệt, để công tác phun trừ đạt hiệu quả, một số xã như Thụy Liên, Thụy Lương, Thụy Quỳnh, Thái Thuần, Thái Thủy đã trích kinh phí tổ chức phun thuốc trừ rầy cho các diện tích bỏ hoang, diện tích bờ vùng, bờ thửa nơi rầy có thể trú ngụ. Đợt 2, UBND huyện phát động chiến dịch phun trừ sâu cuốn lá và rầy các loại cho toàn bộ diện tích lúa xuân từ ngày 27/4 đến ngày 1/5/2018.

Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Nhìn chung, công tác phun trừ sâu bệnh trong 2 đợt huyện phát động được các địa phương thực hiện tốt, các đối tượng sâu bệnh hại đã được phun trừ kịp thời, hiệu quả. Tuy nhiên, tại một số địa phương nông dân còn sử dụng thuốc không theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, trong thời gian chiến dịch thời tiết mưa, nắng thất thường gây khó khăn cho công tác phòng, trừ, một số diện tích phun trừ xong gặp mưa phải tổ chức phun trừ lại. Bên cạnh đó, qua kiểm tra đồng ruộng hiện tại có khoảng 3.000ha lúa xuân có mật độ sâu cuốn lá từ 40 - 50 con/m2, nơi cao từ 80 - 100 con/m2, rầy các loại mật độ bình quân từ 100 - 300 con/m2, cá biệt có nơi từ 1.000 - 2.000 con/m2.

Để bảo đảm năng suất lúa xuân, từ nay đến cuối vụ, UBND huyện Thái Thụy tăng cường chỉ đạo các ngành chuyên môn tổ chức tốt công tác điều tra, dự tính, dự báo các đối tượng sâu bệnh gây hại trên lúa xuân. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, đôn đốc nhân dân tổ chức kiểm tra đồng ruộng đặc biệt trên những diện tích lúa xanh non, diện tích sau phun trừ sâu bệnh gặp mưa, diện tích sử dụng thuốc không theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn..., nếu phát hiện lúa bị nhiễm bệnh sâu cuốn lá, rầy các loại mật độ còn cao thì tổ chức phun trừ kép ngay. Tổ chức phun trừ bệnh đạo ôn cổ bông và sâu đục thân hai chấm cho diện tích lúa trỗ bông. Các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến phát sinh, phát triển gây hại của bệnh lùn sọc đen trên đồng ruộng, thực hiện đồng bộ các biện pháp tiêu hủy nguồn bệnh và phòng, trừ nguồn môi giới kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại của bệnh này gây hại cho sản xuất vụ xuân cũng như nguồn bệnh gây hại cho lúa vụ mùa sắp tới.

Trần Tuấn


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày