Chủ nhật, 24/11/2024, 02:12[GMT+7]

Quảng Ninh cần đổi mới sáng tạo, vươn lên phát triển ở một tầm cao mới

Thứ 2, 13/02/2023 | 08:21:02
1,475 lượt xem
Ngày 12/2, tại thành phố Hạ Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, an sinh xã hội trên địa bàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng cao và ổn định, cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, hoàn thành toàn diện chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra của từng năm.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt mức tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022, trong đó có 3 năm 2020, 2021, 2022 bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19: năm 2020 đạt 10,05%, năm 2021 và năm 2022 đều đạt 10,28%), lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững: khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 50,9%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 43,9%; khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 5,2% trong cơ cấu kinh tế; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269 nghìn tỷ đồng (tính theo giá hiện hành và chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng); GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía bắc); năng suất lao động bình quân 3 năm (2020-2022) tăng trên 10% (năm 2022 tăng trên 13%).

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 3 năm (2020, 2021, 2022) đạt 156.263 tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt 117.807 tỷ đồng, chiếm 75,4%), tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tổng chi đầu tư phát triển đạt 48.325 tỷ đồng, chiếm 58% tổng chi ngân sách địa phương, tỷ lệ giải ngân hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch Thủ tướng giao, đạt trên 95% kế hoạch tỉnh giao.

Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 7.684 triệu USD, tăng bình quân trên 9%/năm. Tổng thu hút vốn ngoài ngân sách trong 3 năm (2020-2022) đạt 475.275 tỷ đồng (trong đó thu hút FDI đạt 2,15 tỷ USD), tăng bình quân 54%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 266.938 tỷ đồng, tăng bình quân 10%/năm; thành lập mới 6.027 doanh nghiệp (bình quân mỗi năm thành lập mới 2.000 doanh nghiệp).

Tỉnh thực hiện tái cơ cấu ngành du lịch phù hợp với bối cảnh mới của thị trường khách nội địa và quốc tế trong và sau đại dịch; đặc biệt lãnh đạo, chỉ đạo, quyết sách đúng đắn đi đầu mở cửa du lịch mạnh mẽ, đúng thời điểm, linh hoạt thích ứng an toàn bằng các cơ chế, chính sách, giải pháp phục hồi, hỗ trợ kích cầu du lịch; trong 3 năm (2020-2022), tỉnh đã đón 24,8 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 47.245 tỷ đồng, trong đó năm 2022 đã phục hồi mạnh mẽ, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2022 đạt 11,6 triệu lượt, gấp 2,6 lần cùng kỳ, doanh thu từ du lịch đạt 22.599 tỷ đồng, gấp 2,9 lần cùng kỳ.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ được đầu tư đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể. Đã hoàn thành, đưa vào khai thác đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả, Cầu Cửa Lục I, Đường nối Khu công nghiệp Cái Lân qua Khu công nghiệp Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, tuyến đường từ Cảng hàng không Quảng Ninh đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn, hệ thống các công trình đường giao thông kết nối 104 thôn, bản thuộc huyện Bình Liêu, cụm công trình Trung tâm hành chính tỉnh, Trường đại học Hạ Long giai đoạn I, Bệnh viện Lão khoa-Phục hồi chức năng, trường THPT Hòn Gai… đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay (176 trên tổng số 1.046km), tạo bước đột phá mới của nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra cơ hội và không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực mới rất to lớn gắn định hình rõ nét các hành lang kinh tế và hành lang đô thị trọng điểm của tỉnh phát triển theo mô hình “Một tâm, hai tuyến đa chiều, các mũi đột phá, ba vùng động lực”…

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp với các bộ, ngành, sự nỗ lực của doanh nghiệp, nhân dân, phát huy truyền thống lịch sử văn hoá, tỉnh đã đạt những bước phát triển toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào thành tích chung của cả nước.

Tỉnh đang chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đạt kết quả quan trọng bước đầu. Nhờ đó, GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD, cao nhất khu vực phía bắc; năng suất lao động tăng trên 13%; tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2020-2022 đạt trên 156,2 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt trên 117,8 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước; tổng chi đầu tư phát triển đạt trên 48,3 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch…

Từ đó tỉnh có nguồn cho đầu tư phát triển; tỉnh cũng huy động nguồn lực bên ngoài lớn so nguồn lực bên trong; tỉnh cũng làm tốt công tác an sinh xã hội, y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa; hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị đang tiếp tục được quan tâm, phát triển.

Thủ tướng đề nghị tỉnh cần nỗ lực hơn nữa vì công cuộc chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” ngày càng khó hơn; hợp tác đối tác công tư có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, “cái khó ló cái khôn”, càng khó khăn, phức tạp mà vẫn làm được thì mới thể hiện là giỏi.

Theo Thủ tướng, vấn đề chênh lệch giàu nghèo còn cao, vẫn là trăn trở bởi người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vẫn còn khó khăn; y tế, giáo dục được đầu tư nhiều nhưng vẫn chênh lệch so các khu đô thị; xung đột môi trường giữa khai thác than với phát triển du lịch cho thấy phải quy hoạch phát triển ngành than bền vững; tốc độ tăng trưởng với chất lượng tăng trưởng cần phải được phân tích, đánh giá để bảo đảm phát triển bền vững.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Thủ tướng đề nghị Quảng Ninh làm tốt 3 phong trào: Vệ sinh môi trường là vấn đề lớn của Quảng Ninh, gắn với lợi ích chung và từng người, vì vậy cần phát động phong trào bảo vệ môi trường; phong trào học ngoại ngữ để nâng cao sức cạnh tranh về lao động, phát triển phong trào chuyển đổi số.

Thủ tướng đề nghị cần nỗ lực để Quảng Ninh xanh, sạch, đẹp và đây là vấn đề mà tỉnh cần tạo đột phá. Lãnh đạo tỉnh cần quan tâm, chăm lo việc này, góp phần đưa Quảng Ninh phát triển giàu có, sạch, đẹp mà vệ sinh môi trường dễ hơn làm hạ tầng, điều quan trọng là ý thức đồng lòng của người dân. Theo Thủ tướng, mọi xung đột trong môi trường thì phải đi từ ý thức của người dân, tạo phong trào xanh, sạch, đẹp, sống động, tác động tích cực trở lại cho sự phát triển của tỉnh.

Cần nỗ lực để Quảng Ninh xanh, sạch, đẹp và đây là vấn đề mà tỉnh cần tạo đột phá. Lãnh đạo tỉnh cần quan tâm, chăm lo việc này, góp phần đưa Quảng Ninh phát triển giàu có, sạch, đẹp...

Thủ tướng Phạm Minh Chính


Về tiềm năng, Thủ tướng nêu rõ, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, thị trường tỷ dân; tỉnh cũng là “một Việt Nam thu nhỏ”, chỗ nào cũng nhìn thấy nguồn lực, từ đó để chúng ta tự tin đi lên.

Vịnh Hạ Long vừa là di sản, vừa là kỳ quan thiên nhiên; có Yên Tử huyền bí, linh thiêng, nơi trường phái Trúc Lâm ra đời ở đây; Quảng Ninh cũng là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng. Đây là nguồn lực rất lớn, vấn đề là tỉnh khai thác như thế nào. Thủ tướng lưu ý tỉnh cần thực hiện tốt không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phải quản lý môi trường sạch đẹp, xã hội văn minh, văn hoá phát triển; vừa tăng tốc tăng trưởng và bảo đảm chất lượng tăng trưởng, đó là tập trung đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, quyết liệt làm đường cao tốc nối từ Quảng Yên lên đến Yên Tử, hoàn thiện đường ven biển, nghiên cứu làm đường kết nối Yên Tử với Hoành Bồ, đường kết nối với Bắc Giang; nghiên cứu làm cảng biển ở Móng Cái; rà soát lại, đơn vị nào yếu kém không làm nổi thì không cho làm nữa; làm tốt các hạ tầng ở biên giới; tăng vận tải từ nam ra bắc, tận dụng các cảng biển, giảm tải các đường bộ, giảm chi phí vận tải; kết nối sân bay Vân Đồn với Cần Thơ, tăng cường giao lưu hàng hóa cho cả vùng, cả nước.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Quảng Ninh tăng cường cải cách hành chính, trong đó đẩy nhanh việc hóa đơn điện tử đối với các cửa hiệu, nhà hàng ăn uống; đẩy mạnh hải quan điện tử; Bộ Tài chính phải tham mưu vấn đề này cho tỉnh, kể cả vấn đề lưu trú trên biển. Chuyển đổi số, cải cách hành chính phải đi vào lĩnh vực cụ thể, ngay từ thu thuế, các thủ tục hành chính.

Quảng Ninh tăng cường cải cách hành chính, trong đó đẩy nhanh việc hóa đơn điện tử đối với các cửa hiệu, nhà hàng ăn uống; đẩy mạnh hải quan điện tử; Bộ Tài chính phải tham mưu vấn đề này cho tỉnh, kể cả vấn đề lưu trú trên biển. Chuyển đổi số, cải cách hành chính phải đi vào lĩnh vực cụ thể, ngay từ thu thuế, các thủ tục hành chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính


Thủ tướng cho rằng Quảng Ninh có nhiều di tích lịch sử, do đó việc quản lý phải văn minh, đẹp, trang trọng và không nên đặt vấn đề thu tiền ở đây mà phải coi trọng nâng cao giá trị văn hoá. Đối với di tích Yên Tử, Thủ tướng yêu cầu kiểm tra lại việc quản lý tiền công đức; chú trọng quản lý, hạn chế tai nạn lao động.

Về huy động nguồn lực, Thủ tướng đề nghị phát huy hợp tác công tư, huy động nguồn lực ngoài xã hội. Quảng Ninh phát triển được như hiện nay là nhờ hợp tác công tư nên mới có sân bay, bến cảng, rồi đầu tư theo hình thức BOT, BT cần được phát huy.

Về vấn đề con người, theo Thủ tướng, Quảng Ninh có nền tảng là con người chịu thương, chịu khó, phải tập trung đẩy mạnh vấn đề này; sơ kết mô hình trường Đại học Hạ Long, cần quy hoạch lại thành trường đại học tầm cỡ khu vực, nguồn lực đến đâu làm đến đó kết hợp huy động hợp tác công tư; cần có cơ chế, chính sách thu hút giảng viên đại học đến Quảng Ninh làm việc. Quảng Ninh là đất du lịch nên cần chú trọng đào tạo nghệ thuật, tiếng Nhật, tiếng Hàn; nâng cao kỹ năng nghề, theo đó các trường nghề trên địa bàn tỉnh phải được nâng cấp; coi trọng đoàn kết, thống nhất, đúng nguyên tắc, luật pháp, chia sẻ lẫn nhau.

Thủ tướng yêu cầu Quảng Ninh cần thoát khỏi những cái cũ, tăng cường đổi mới sáng tạo, vươn lên tầm cao mới, đi vào phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, đi vào phát triển văn minh, hiện đại.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh Quảng Ninh.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày