Thứ 7, 23/11/2024, 21:12[GMT+7]

Nam Thịnh: Tập trung khắc phục bệnh đốm trắng trên tôm

Thứ 4, 06/06/2018 | 08:59:32
931 lượt xem
Vụ xuân hè năm 2018, xã Nam Thịnh (Tiền Hải) thả nuôi thủy sản 160ha, đạt 100% diện tích. Tuy nhiên, thời gian qua một số diện tích nuôi thủy sản đã xuất hiện bệnh đốm trắng gây tôm chết hàng loạt. Hiện nay, các hộ dân đang tập trung khắc phục tình trạng dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng.

Các hộ dân vùng nuôi trồng thủy sản xã Nam Thịnh sử dụng Chlorine xử lý môi trường ao nuôi.

Tại vùng nuôi trồng thủy sản thôn Hợp Châu, ông Trần Văn Khởi cho biết: Diện tích nuôi tôm của gia đình tôi hơn 3.000m2. Trước khi xuống giống tôm, gia đình tôi đã làm tốt việc xử lý môi trường ao nuôi như khử trùng nguồn nước, diệt tạp. Cách đây vài ngày, qua kiểm tra, tôm có biểu hiện hoạt động kém ăn, sau đó bỏ ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước hay dạt vào bờ. Dấu hiệu bất thường xuất hiện trên tôm nuôi trước khi chết là toàn thân có màu đỏ, lấm tấm hạt trắng. 

Sau khi tôm có triệu chứng trên, ông Khởi đã báo với chính quyền địa phương để có giải pháp đối phó với bệnh đốm trắng hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bệnh gây ra. 

Cũng tình trạng có tôm chết trên diện tích nuôi thủy sản, ông Phạm Văn Quang, thôn Đồng Lạc đã kịp thời xử lý đối với số tôm bị bệnh, đồng thời xử lý môi trường ao nuôi bằng hóa chất Chlorine, nhằm tránh lây lan sang diện tích ao nuôi của các hộ xung quanh. 

Theo ông Quang, mầm bệnh có thể đã ủ trong tôm hoặc xâm nhập từ bên ngoài vào qua nguồn nước hoặc các loại ký chủ trung gian cua, cáy, chim... khi thời tiết nắng nóng, xen kẽ mưa đã tạo thuận lợi cho vi rút gây bệnh hại trên tôm. Ông Quang mong muốn các ngành, chính quyền cấp trên tiếp tục có chính sách hỗ trợ giúp các hộ dân xử lý dịch bệnh và chuyển sang các đối tượng nuôi khác, bảo đảm không để diện tích ao trống.

Sau khi nhận được thông báo từ các hộ nuôi tôm, xã Nam Thịnh đã phối hợp với ngành chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh đốm trắng. Bệnh đốm trắng trên tôm xuất hiện ở diện tích ao nuôi của các hộ dân địa phương từ ngày 13 - 26/5, đã có 17 hộ có diện tích tôm bị bệnh đốm trắng, gây thiệt hại khoảng trên 95 vạn con tôm. Đây là loại bệnh trên tôm được xem là nguy hiểm có diễn biến phức tạp, cùng với yếu tố thời tiết những ngày qua nắng, mưa làm thay đổi nhiệt độ đột ngột, tôm thường chết nhanh và hiện nay chưa có thuốc và phương pháp chữa trị nào hiệu quả. Trước tình hình trên, Nam Thịnh đã tích cực phối hợp với ngành chuyên môn tuyên truyền đến nhân dân khắc phục tình trạng tôm chết, triển khai các biện pháp tiêu độc khử trùng ao nuôi. 

Đồng thời, hướng dẫn các hộ nuôi phải thường xuyên kiểm tra sự phát triển của tôm, chủ động phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, địa phương được huyện hỗ trợ 2.000kg Chlorine, đã tổ chức cấp phát trên 1.300kg cho các hộ nuôi thủy sản để vệ sinh ao nuôi có tôm chết. Đồng thời, khuyến cáo các hộ nuôi cần xử lý dịch bệnh đúng như hướng dẫn của ngành chuyên môn. 

Hiện nay, Nam Thịnh đang tiếp tục tích cực chỉ đạo xử lý môi trường những diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng, tuy nhiên vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, người nuôi tôm trên địa bàn lo lắng khi thời tiết tiếp tục nắng nóng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút phát triển. Chính quyền địa phương tiếp tục khuyến cáo khi phát hiện tôm có dấu hiệu đỏ thân, tấp mé, người dân cần báo ngay cho cán bộ chuyên môn để dập dịch kịp thời, nhằm hạn chế sự lây lan mầm bệnh. 

Đối với những diện tích đang nuôi chưa bị bệnh, Nam Thịnh chủ động tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và công tác phòng ngừa dịch bệnh, tiêu độc môi trường ở khu vực nuôi tôm tại các hộ dân. Chỉ đạo, phân công cán bộ bám sát vùng nuôi trồng thủy sản để hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra, giám sát tình hình nuôi trồng, dịch bệnh.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày