Thứ 7, 23/11/2024, 17:38[GMT+7]

Xử lý rơm rạ sau thu hoạch

Thứ 2, 18/06/2018 | 14:15:22
3,022 lượt xem
Vụ lúa xuân này, ở khắp các vùng quê trên địa bàn tỉnh, bà con nông dân rất phấn khởi bởi được mùa, được giá. Tuy nhiên, rơm rạ trước kia vốn được coi là “của để dành” thì giờ đây được “gửi” lại đồng ruộng, kênh mương, đốt… Do vậy, xử lý rơm rạ sau thu hoạch được ngành Nông nghiệp đặc biệt quan tâm.

Sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ mang lại nhiều lợi ích.

Mỗi năm, Thái Bình gieo cấy gần 160.000ha lúa, sản lượng rơm rạ sau thu hoạch rất lớn. Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu lúa quốc tế, trong 1 tấn rơm chứa từ 5 - 8kg đạm; 1,2kg lân, 20kg kali, 40kg silic và 400kg carbon. Đây là nguồn nguyên liệu quý nếu biết cách xử lý để sử dụng làm phân bón cho sản xuất nông nghiệp. Song hiện nay, hầu hết lượng rơm rạ sau thu hoạch không được sử dụng mà xử lý bằng nhiều cách như đốt, vứt bỏ trên bờ ruộng, bờ mương… gây ách tắc dòng chảy, ô nhiễm môi trường, đặc biệt việc đốt rơm rạ ngay trên ruộng gây mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.

Kỹ sư Mai Thị Thu Hương, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết: Hiện nay, thu hoạch lúa chủ yếu bằng máy hoặc cắt lưng cây lúa, lượng rơm rạ còn lại trên đồng là rất lớn. Thực tế sản xuất, nông dân sử dụng phân chuồng rất ít, đất bón nhiều phân hóa học đang bị chai cứng dần, đòi hỏi cần bổ sung thêm các vi sinh vật có ích giúp cải tạo đất, nâng cao hàm lượng mùn. Do vậy, sau khi thu hoạch lúa xuân nếu tận dụng được nguồn rơm rạ này làm phân bón cho lúa mùa thì rất tốt. Ngược lại, nếu không xử lý tốt, rơm rạ không kịp ngấu, lúa mùa dễ bị ngộ độc hữu cơ, là nguyên nhân gây bạc lá cho lúa, ảnh hưởng đến năng suất. Để không bỏ phí nguồn hữu cơ quan trọng này, đồng thời kịp làm đất để cấy lúa mùa, bà con có thể áp dụng các chế phẩm xử lý rơm rạ đang có trên thị trường như: Sumitri, AT-YTB, phân vi sinh Azotobacterin… 

Bản chất của các loại chế phẩm vi sinh, phân vi sinh là kết hợp nhiều loại vi sinh vật hữu ích như vi sinh vật phân giải chất hữu cơ, vi sinh vật cố định đạm… khi rắc xuống ruộng có tác dụng phân giải nhanh các chất xơ, chất hữu cơ, làm tơi xốp đất, thoáng khí, giảm được hiện tượng ngộ độc hữu cơ thường xuyên xảy ra ở vụ mùa.

Lượng rơm rạ còn lại trên đồng ruộng rất lớn. 

Từ thực trạng trên, ngành Nông nghiệp cùng nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã vào cuộc để hạn chế việc đốt bỏ rơm rạ. Nhiều mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học được triển khai, cho thấy tính hiệu quả, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa với môi trường. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, việc sử dụng các chế phẩm mới chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn.

Bà Nguyễn Thị Động, thôn Đồng Cư, xã Đông Hải (Quỳnh Phụ) cho biết: Trước đây, gia đình tôi được tham gia mô hình sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ do Trung tâm Khuyến nông Thái Bình tổ chức. Trên ruộng lúa mới cắt, rạ còn tươi, tôi tiến hành rắc ngay chế phẩm sinh học rồi cày lật đất, sau khoảng 1 tuần là rạ phân hủy, lội xuống ruộng thấy nhiều bọt khí, lúa tốt hơn so với ruộng không được xử lý rơm rạ.

Lợi ích thì thấy rõ, tuy nhiên khi được hỏi năm sau có tiếp tục sử dụng chế phẩm này để xử lý rơm rạ nữa không thì không riêng gì bà Động, hầu hết người dân đều nói không hoặc chưa biết. Ông Nguyễn Duy Nam, Giám đốc HTX DVNN xã Đông Hải cho biết: Sử dụng các chế phẩm giúp rơm rạ hoai mục nhanh hơn, hạn chế sâu bệnh lưu trú từ vụ xuân sang vụ mùa, tránh được hiện tượng ngộ độc hữu cơ từ đó nâng cao năng suất lúa. Tuy nhiên, từ thành công của mô hình triển khai tại địa phương, vụ mùa năm 2017, toàn xã chỉ có khoảng 20 - 30% số hộ sử dụng. Để nhân rộng, thông qua Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Trạm Khuyến nông huyện, các mô hình hỗ trợ được triển khai, vụ mùa này dự kiến diện tích sử dụng chế phẩm sẽ tăng lên 50%.

Vì thói quen canh tác cũng như nhận thức còn hạn chế của nhiều nông dân, tâm lý trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước, những mô hình thí điểm về xử lý rơm rạ chỉ dừng lại ở mức đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm. Việc nhân rộng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ cần có sự vào cuộc tích cực từ nhiều phía.

Hướng dẫn sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ sau thu hoạch:

* Sau khi gặt xong đưa nước vào càng sớm càng tốt (tốt nhất là giữ nước lúc gặt), tiến hành lồng dập rạ sau đó sử dụng các chế phẩm xử lý rơm rạ như: Sumitri, AT-YTB, Fito-Biomix RR… hoặc phân vi sinh Azotobacterin để vãi;
* Đối với chế phẩm xử lý rơm rạ, bà con sử dụng khoảng 1 gói 100g cho 1 sào. Trộn chế phẩm với cát để vãi đều ra mặt ruộng sau khi đã lồng dập rạ. Chú ý là ruộng phải bảo đảm đủ nước, rạ phải nằm dưới mặt bùn.
* Nếu sử dụng phân vi sinh thì 1 sào vãi từ 7 - 10kg, vãi xong lồng dập rạ hoặc lồng xong vãi đều được.
Trung tâm Khuyến nông Thái Bình


Ngân Huyền


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày