Chủ nhật, 24/11/2024, 01:30[GMT+7]

Đào Nguyên Phổ: Chí sĩ yêu nước - nhà báo tiên phong - nhà giáo dục canh tân

Thứ 2, 18/06/2018 | 17:52:13
5,899 lượt xem
Đào Nguyên Phổ, tự Hoành Hải, hiệu là Tảo Bi, sinh năm Tân Dậu (1861) và mất năm Mậu Thân (1908) khi mới 48 tuổi. Đào Nguyên Phổ là con thứ ba trong một gia đình nho học, quê làng Thượng Phán, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ.

Thuở nhỏ, ông có tên là Đào Doãn Cung, được cha kèm cặp từ khi còn thơ ấu, vốn thông minh nên khi học chữ, ông mau nhớ, thông kinh sử, giỏi văn sách, lại có tài ứng đối. Năm mới 17 tuổi (1877), ông được cha đổi tên là Đào Văn Mại, cho theo hai anh đi thi Hương tại trường Nam Định nhằm thử sức nhưng Đào Nguyên Phổ đã trúng cách, đỗ Cử nhân. Quan chủ khảo nghi ngờ tìm cách thử tài song ông vẫn đỗ. Sau khi đỗ Cử nhân ông ra dạy học ở huyện Diên Hà, rồi chuyển sang Phù Cừ. Năm 1884, ông được bổ chức Giáo thụ huyện Tam Nông (Phú Thọ), rồi được bổ làm Tri huyện Võ Giàng (Bắc Ninh). 

Trong thời gian làm tri huyện Võ Giàng, có một biến cố xảy ra, huyện đường mất trộm một nửa năm tiền thuế để trong két bạc. Sau một cuộc khám xét kỹ càng, có mật thám từ Hà Nội về giúp sức nhưng không tìm ra kẻ trộm, ông  vẫn bị quy trách nhiệm, bị bãi chức. 

Về sự kiện này, sách Danh nhân Thái Bình (Sở Văn hóa Thông tin Thái Bình xuất bản năm 2002) tác  giả Phạm Hóa viết: “Những ngày ở Võ Giàng, ông đã làm quen và kết giao với nhiều nhà nho yêu nước... Được khích lệ bởi tinh thần yêu nước, ông đã cùng với người anh là Đào Thế Mỹ lập kế đem toàn bộ số tiền thuế đinh, điền của huyện Võ Giàng trong nửa năm ngầm trợ giúp cho phong trào yêu nước, ông bị nhà chức trách cách mất chức tri huyện”. Sau khi mất chức tri huyện, ông trở lại nghề dạy học ở Nam Trực (Nam Định), một thời gian lại bỏ đi ngao du, gặp gỡ bạn bè đã kết giao trong những năm ông làm nghề dạy học.

Năm 1895, theo lời khuyên của Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền, ông vào kinh đô Huế thi tuyển vào học Trường Quốc Tử Giám, ông học rất giỏi, lại có tài nghị luận, đối đáp nhanh. Sau ba năm học tập, năm 1898, ông đổi tên là Đào Nguyên Phổ dự thi Hội, đỗ Đình nguyên Hoàng giáp. Sau khi thi đỗ, Đào Nguyên Phổ được bổ chức Hàn lâm viện Thừa chỉ, giúp vua soạn thảo các đạo dụ và chiếu chỉ. Trong thời gian này ông tham gia học tiếng Pháp tại Pháp tự quốc gia học đường.

Giữ chức Thừa chỉ được một hai năm (1901 - 1902), ông xin từ quan ra Hà Nội làm báo. Năm 1903, ông làm chủ bút tờ Đại Nam đồng văn nhật báo viết bằng chữ Hán, đặt dưới sự kiểm soát của Nha Kinh lược sứ Bắc Kỳ. Năm 1905, ông lại cộng tác với Đại Việt Tân Báo viết bằng hai thứ chữ: chữ Hán và chữ Quốc ngữ. (trong khi đó vẫn cộng tác với tờ Đại Nam đồng văn nhật báo - sau đổi thành Đông Cổ tùng văn)... những tờ báo này đều cổ động cho phong trào Duy Tân, phong trào học chữ Quốc ngữ.

Tháng 3 năm 1907, sau cuộc gặp với Phan Châu Trinh, các ông Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Đào Nguyên Phổ... đã thành lập Trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội để “khai trí cho dân”, giáo dục ý thức “Tự lực tự cường”.  Đào Nguyên Phổ tham gia ban Cổ động, ban Trước tác, làm cố vấn cho ban Giáo dục. Để cổ động cho phong trào học chữ Quốc ngữ, phong trào canh tân, Đào Nguyên Phổ đã làm câu đối treo trước cổng trường:

“Lấy Quốc ngữ làm chuông cảnh tỉnh, khua vang ngõ hẹp hang cùng

Đem báo chuông thay đuốc văn minh, soi rạng miền Nam, cõi Bắc”

Tương truyền khi còn học Trường Quốc Tử Giám ở Huế ông đã làm câu đối phê phán những kẻ nịnh bợ tây “Bê đít thằng Bô, nhiều sự lỗi”, nay làm báo, dạy học, ông đã viết báo, viết sách để giáo dục lòng yêu nước và tư tưởng canh tân đất nước. Ông kêu gọi mọi người học lịch sử: “Người nước Nam ta biết Thái Sơn cao, Hoàng Hà sâu mà không rõ núi Tản mạch từ đâu đến, sông Cửu Long bắt nguồn từ đâu chảy về. Lại biết Khổng Minh và Địch Nhân Kiệt mà không rõ Tô Hiến Thành và Trần Quốc Tuấn khí tiết oai phong như thế nào? Tuy nhiên gió có thổi ngược nhưng không gẫy được cột cờ. Sông nước có vỡ bờ nhưng xoáy mấy cũng không thể nghiêng trụ. Thực tế rồi cuối cùng cuốn “Toát yếu Việt sử” được soạn và lưu hành. Mọi người ai cũng xem, cũng đọc, thế là dân trí sẽ tăng, dân tài sẽ được mở rộng thêm nhiều đó. Vậy mong toàn quốc trẻ già hãy gắng học đi! Đó là điều các nho gia chúng tôi đang mong đợi” (lời tựa “Việt sử toát yếu”).

Khi viết các bài tựa cho sách Việt sử mông học, Việt sử tân ước toàn biên... ông cũng nhấn mạnh cần học lịch sử: “Các nước văn minh như Âu Mỹ, Nhật Bản rất coi trọng khoa sử học. Lịch sử thế giới là một khoa học”, “Trẻ em 6 - 7 tuổi phải luyện ngay việc đọc quốc văn, quốc sử”... “Phải in vào trong não mọi người hai chữ “Quốc gia” sao cho bền vững không lay chuyển được”. Ông khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa Tổ quốc, gia đình và bản thân mỗi người, phải biết coi đất đai của Tổ quốc như tài sản của riêng mình. Người người đều có nghĩa vụ cống hiến cho sự giàu mạnh của quốc gia...

Từ đường họ Đào ngành 3 tại thôn Thượng Phán, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ.

Trong các tác phẩm của mình, ông hết lời ca ngợi các anh hùng dân tộc bà Trưng, bà Triệu, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung...

Ngoài việc giáo dục lòng yêu nước, yêu lịch sử dân tộc, Đào Nguyên Phổ còn quan tâm đến việc giáo dục đạo đức. Tư tưởng ấy được thể hiện qua tác phẩm “Ấu học tân thư” do chính ông biên soạn. Sách gồm bốn tập:

Tập 1: Ấu học khai tâm giáo khoa thư dạy về thiên nhiên, cây cỏ, thời tiết, chim muông.

Tập 2: Ấu học tu thân giáo khoa thư  dạy về luân lý, đạo đức. Cách tu dưỡng ăn ở đối xử với cha mẹ, bạn bè, người thân.

Tập 3: Ấu học địa dư giáo khoa thư dạy về địa lý, chính trị Việt Nam.

Tập 4: Ấu học lịch sử giáo khoa thư dạy về lịch sử Việt Nam.

Khi thực dân Pháp đàn áp, đóng cửa trường thì những tài liệu giảng dạy của trường bị tịch thu, bị hủy hoại, sách “Ấu học tân thư” cũng nằm trong số đó, nay chỉ sưu tầm, tập hợp được một số bài:

Nói về công ơn cha mẹ ông viết: Người ta lúc mới sinh ra, đói không thể tự ăn, rét không thể tự mặc. Cha mẹ bú mớm bồng bế, ốm đau thì mời thầy thuốc đến chữa bệnh, đến tuổi khôn lớn lại cho đi học. Cha mẹ vất vả khó nhọc như vậy, người làm con há có thể quên công ơn ấy?

Về quan hệ anh em: Anh em như là chân tay. Chân tay mạnh thì thân thể khỏe. Chân tay đau thì thân cũng đau... cùng một giọt máu của người cha, cùng một bào thai của người mẹ, cùng được cha mẹ nuôi dưỡng, không có cái gì là không cùng thì đừng nên trái tính nhau, trái tính nhau thì sẽ xung đột, xung đột thì sẽ xa cách, xa cách sẽ bất hòa... Tình máu mủ trở thành mâu thuẫn thì đạo nhà suy. Chẳng những đạo nhà suy mà đất nước cũng vậy.

Ông cũng xác định phải tu thân, trong tu thân thì phải biết về mối quan hệ giữa liêm và tham. Liêm là dũng tướng chế ngự quân tham, lòng người chưa hẳn ai đã khỏi tham nhưng cũng chưa hề không có liêm. Hai điều đó giao chiến ở trong bụng và tranh giành được thua. Để cho tham thắng liêm thì các nội tạng trong bụng đều là kho của kẻ cướp bóc. Để cho liêm luôn luôn thắng tham thì quân cướp bóc đều trở thành quân có tiết chế.

Chim bói tham thóc mà sa vào lưới, cá bởi tham mồi mà bị mắc câu. Ấy cho nên liêm là điều rất quý của con người. Người xưa cho rằng không tham là quý, là muốn giữ vững điều liêm. Liêm không tồn tại thì vật quý cũng mất mà thân không nguy hiểm là điều ít có.

Những điều ông viết trên, trải hơn 110 năm, nay vẫn nguyên giá trị.

Sau một năm hoạt động, Đông Kinh Nghĩa Thục đã có ảnh hưởng rất rộng, người theo học, đến nghe bình văn, diễn thuyết rất đông:

“Buổi diễn thuyết người đông như hội

Kỳ bình văn khách tới như mưa”

Thấy ảnh hưởng rộng lớn của trường, thực dân Pháp đã đóng cửa trường, đàn áp bắt bớ những người sáng lập và các thầy giáo của trường... Đào Nguyên Phổ bị bao vây, truy bức, ông đã tự sát vào ngày 24 tháng 5 năm Mậu Thân (1908), hưởng thọ 48 tuổi. Thi hài ông được bạn bè, con cháu bí mật đưa về chôn cất tại quê nhà.

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày mất (1908 - 2018) xin viết đôi điều về ông “một chí sĩ yêu nước, một nhà báo tiên phong, một nhà giáo dục mang tư tưởng canh tân”.

Phát huy truyền thống yêu nước, hiếu học của cha ông, Đào Trinh Nhất, con trai Đào Nguyên Phổ là nhà báo, nhà văn nổi tiếng, ông là người khai sinh ra số xuân, ra báo tết ở Việt Nam. Đào Quốc Anh và Đỗ Thị Như Tuyết cháu Đào Nguyên Phổ đều tu nghiệp ở Pháp, Mỹ người là bác sĩ, người là luật sư đều đem tài năng cống hiến cho nhân dân. Thế hệ thứ tư của Đào Nguyên Phổ, con ông Đào Quốc Anh và bà Đỗ Thị Như Tuyết bốn người con đều là tiến sĩ... có thể nói không chỉ cống hiến cho nước, cho dân, Đào Nguyên Phổ còn là người khai khoa cho một dòng họ hiếu học.

Phạm Minh Đức

Thành phố Thái Bình

* Tìm đọc: Đình nguyên Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ - Nxb Hội Nhà văn - Hà Nội - 2008.