Chủ nhật, 24/11/2024, 02:14[GMT+7]

Một góc nhìn văn hóa

Thứ 2, 18/06/2018 | 17:53:37
1,340 lượt xem
Về thăm xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, năm qua vừa đạt chuẩn nông thôn mới, chúng tôi có thêm một góc nhìn văn hóa về một ngôi làng nhỏ, nằm nép mình bên con đê cao, chạy vòng theo sông Luộc.

Ở đây, dân cư ít, ruộng đồng cũng hạn hẹp, trong “Đổi mới” đời sống nhân dân được cải thiện nhiều song cũng còn không ít lo toan… đường sá, đình chùa, nhà cửa… chưa có gì là “hoành tráng” song điều đáng nói: nơi đây có một vẻ đẹp bên trong, bắt nguồn từ những người mà chúng tôi tiếp xúc, những điều chúng tôi mắt thấy, tai nghe khi đi qua cổng làng, cho đến lúc vào tận hậu cung của ngôi từ đường bé nhỏ.

Nơi đây, không chỉ là vang bóng của một thời xa vắng, khi đứng trước ban thờ của những danh nhân văn hóa đất nước, những “Người con ưu tú”, những “Nàng dâu thảo hiền” của họ Đào, của đất nước mà còn có cả một thư viện mang tên Đình nguyên Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ. Qua xem nội dung tủ sách, chúng tôi thấy được sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại.

Tủ sách được khai trương vào tháng 5/2014, nay đã có vài nghìn bản. Số sách ấy có sự đóng góp của con, cháu trong họ, của các cơ quan văn hóa. Thư viện tỉnh tặng 2 lần với gần 500 cuốn, ông Đào Duy Mẫn san sẻ số sách từ Hà Nội mang về 700 cuốn (không kể tư liệu), ông Đào Duy Thái cũng góp sách và hàng trăm đĩa mềm về kinh Phật. Có các phương tiện nghe, nhìn để học tiếng Anh, để luyện nghe, nói, đọc, viết và thi trắc nghiệm, lại có những bộ sách dành riêng cho con cháu trong làng.

Thư viện có những sách, những bộ sách hiếm, quý như cuốn Minh triết Hồ Chí Minh, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Truyện Kiều (gồm cả nguyên bản, tác phẩm nghiên cứu, từ điển, bản dịch tiếng Pháp, tiếng Anh… tất cả 9 cuốn). Cuốn Thế giới phẳng, tác phẩm nổi tiếng của Phơ-rit-mân(1) (có cả sách dịch cùng nguyên bản tiếng Anh).

Về hiệu quả của việc lan truyền văn hóa đọc, thư viện mới được mở cửa hai năm đang là mùa gieo hạt, cây mới nảy mầm ở một vùng nông thôn xa huyện lỵ, xa tỉnh lỵ nên những người tổ chức ra thư viện chỉ dám cho là kết quả bước đầu. Hiện nay phần nhiều các bậc cha mẹ còn đang lo chuyện trước mắt, lo cho con học hết phổ thông để thi vào đại học, vì thế, nhiều em đến tham quan thì rất thích nhưng không mượn sách. Ngay với môn học tiếng Anh quan trọng là thế, phương tiện nghe nhìn đầy đủ thế nhưng các em vẫn còn dè dặt trong việc mượn và nghe tại chỗ, trừ bộ sách luyện thi thì được truyền tay nhau. Phần lớn các em học sinh khá và giỏi mới đến thư viện tìm sách đọc thêm. 

Kết quả hai năm qua số bạn đọc của thư viện đã có một học sinh giỏi cấp huyện, một cấp tỉnh, một học sinh cuối bậc phổ thông trung học thi được 23,5 điểm, được tuyển sang học môn tiếng Nga tại Cộng hòa Liên bang Nga, một học sinh thi được 27,5 điểm được vào học tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình.

Với người lớn tuổi, người đến mượn sách đọc thường là các cán bộ nghỉ hưu, cựu chiến binh và cựu giáo chức. Ở mấy xã gần quanh, cũng có vài bác rất chịu khó đến chọn và thường xuyên mượn sách về đọc.

Riêng đối với con cháu họ Đào làng Thượng Phán vẫn phát huy truyền thống hiếu học góp phần tích cực vào việc “tiếp lửa” cho quê hương theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”.

Đào Quân

Quỳnh Hoàng, Quỳnh Phụ


(1) Tên tiếng Anh đầy đủ là Thomas E. Friedman, nhà văn, nhà báo Mỹ 3 lần đạt giải thưởng Pu-lit-dơ (Pulitzer), tác giả của “Thế giới phẳng” - là sách “hay nhất trong năm”. Ông viết chuyên luận về đề tài chính trị cho “Nữu Ước thời báo” (The New York Times).