Chủ nhật, 24/11/2024, 03:00[GMT+7]

Mưa bão sẽ đến sớm hơn

Thứ 3, 19/06/2018 | 09:12:19
1,034 lượt xem
Dự báo sẽ có khoảng 12 - 13 cơn bão và khoảng 5 - 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Trong đó, Thái Bình có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2 - 3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Cây cối bị đổ do mưa bão năm 2016.

Năm 2018 được dự báo nắng nóng xuất hiện sớm nhưng cường độ không quá gay gắt và các cơn bão cũng đến sớm hơn mọi năm.

Ông Phạm Quốc Hưng, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Thái Bình cho biết: Nắng nóng trong mùa hè năm 2018 không kéo dài và không gay gắt. Thông thường tháng 4 hàng năm đã bắt đầu có nắng nóng. Tuy nhiên, năm nay, đến đầu tháng 5 mới xuất hiện đợt nắng nóng trên diện rộng đầu tiên ở Bắc Bộ, muộn hơn so với mọi năm. Từ tháng 5 đến nay đã xuất hiện các đợt nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ, tuy nhiên nắng nóng không gay gắt và không kéo dài (thời gian chỉ kéo dài 3 - 4 ngày). Nếu so với khoảng thời gian này năm ngoái, các tỉnh Bắc Bộ đã phải hứng chịu đợt nắng nóng lịch sử, đạt mức kỷ lục trong vòng 46 năm qua. Dự báo trong tháng 6 và tháng 7 năm nay sẽ tiếp tục là thời gian cao điểm mùa nắng nóng trong năm nhưng mức nhiệt cao nhất năm nay khó vượt ngưỡng năm 2017. Theo đó, nền nhiệt tại Thái Bình khoảng 37 - 390C. Tuy nhiên, mùa bão năm nay đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Năm 2018, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam sẽ tương đương so với trung bình nhiều năm. Dự báo sẽ có khoảng 12 - 13 cơn bão và khoảng 5 - 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Trong đó, Thái Bình có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2 - 3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm. Thời gian ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới đến Thái Bình chủ yếu tập trung vào tháng 7, 8, 9, sớm hơn so với nhiều năm. Nhưng cũng cần đề phòng các cơn bão mạnh có thể xuất hiện muộn vào cuối mùa (tháng 10 - 11).

Cùng với đó, tổng lượng mưa toàn mùa các khu vực trên địa bàn tỉnh ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Xuất hiện từ 5 - 7 đợt mưa lớn diện rộng; trong đó lượng mưa tháng 6 sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm, khoảng 188mm, nhưng sang tháng 7, 8 mưa sẽ nhiều hơn và cao hơn trung bình nhiều năm, đạt khoảng 225 - 300mm. Đối với lũ, đỉnh lũ năm nay thấp hơn so với trung bình nhiều năm và xuất hiện vào cuối tháng 7 và tháng 8. Mực nước trung bình các tháng mùa lũ tại các trạm Tiến Đức, Triều Dương (Hưng Hà) đều thấp hơn trung bình nhiều năm. Các địa phương cần chủ động đề phòng khả năng nước dâng do bão kết hợp với triều cường và xả lũ của các nhà máy thủy điện, gây ngập úng khu vực cửa sông, ven biển, khu vực thấp trũng các bãi ven sông. Cũng theo ông Phạm Quốc Hưng, năm 2018 năng lực dự báo, cảnh báo mưa bão có thay đổi đáng kể. Đài Khí tượng thủy văn Thái Bình đã được trang bị nhiều thiết bị tự động. Nhưng dù có tiến bộ trong dự báo mưa bão, ông Hưng cũng thừa nhận công tác dự báo, cảnh báo cường độ bão và mưa hiện còn nhiều hạn chế vì hiện nay mạng lưới quan trắc trên địa bàn tỉnh còn chưa được đồng bộ và tự động hoàn toàn.

Nhiều năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão mạnh, mưa lớn, nắng nóng, giông, tố, lốc, nước dâng do bão. Các hiện tượng thời tiết, thủy văn nguy hiểm trên diễn ra với cường độ ngày càng khốc liệt hơn và bất tuân theo quy luật khí hậu. Vì vậy, các đơn vị, địa phương và nhất là mỗi người dân cần chủ động các biện pháp trong ứng phó với mưa bão.

Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày