Thứ 7, 23/11/2024, 20:52[GMT+7]

Chăm sóc và bảo vệ các đối tượng thủy sản

Thứ 5, 28/06/2018 | 09:54:13
872 lượt xem
Vào mùa nắng nóng, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ cao kèm mưa rào gây ảnh hưởng đến môi trường ao nuôi cũng như sự sinh trưởng, phát triển của các đối tượng thủy sản. Để phòng tránh và xử lý dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại, người nuôi trồng thủy sản đã thực hiện nhiều biện pháp chăm sóc, bảo vệ các đối tượng thủy sản.

Định kỳ sử dụng các chế phẩm cho phép để cải tạo nguồn nước trong ao nuôi tôm.

Ông Vũ Thanh Vân ở thôn Đa Cốc, xã Bình Thanh (Kiến Xương) hiện đang nuôi thả các giống cá truyền thống với hơn 5ha diện tích mặt nước. Hàng năm, bước vào vụ nuôi trồng mới, ông đặc biệt quan tâm đến khâu cải tạo, vệ sinh ao nuôi. 

Ông Vân cho biết: Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đầu vụ, tôi rắc vôi bột xuống đáy ao để xử lý các tạp chất, vi khuẩn sót lại trong ao từ vụ nuôi trước, định kỳ bón vôi xuống ao và sử dụng thêm chế phẩm sinh học để cải tạo môi trường ao nuôi. Trong quá trình nuôi, tôi thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết cũng như diễn biến môi trường nước để điều chỉnh cách chăm sóc cá cho phù hợp. Vào những ngày thời tiết bất thuận, tôi tuân thủ nghiêm ngặt khẩu phần ăn của cá cả về số lượng và chất lượng để bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho cá mà không làm ảnh hưởng đến môi trường ao nuôi.

Cũng như ông Vân, người nuôi trồng thủy sản trong toàn tỉnh không khỏi lo lắng các đối tượng thủy sản bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, dịch bệnh nên đặc biệt quan tâm đến khâu chăm sóc, bảo vệ, nhất là vào mùa nắng nóng. 

Bà Nguyễn Thị Phương, chuyên viên Phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Trong giai đoạn nắng nóng như hiện nay sẽ gây bất thuận cho sự sinh trưởng của các đối tượng thủy sản như cá, tôm và ngao. Do ảnh hưởng của vi rút, vi khuẩn thường gây ra các bệnh đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan tụy cấp… trên tôm và bệnh xuất huyết, viêm gan… trên cá. Đối với ngao chủ yếu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi điều kiện tự nhiên như nắng nóng kéo dài, môi trường nước biển bị thay đổi độ mặn khiến ngao bị chết. Để phòng tránh và xử lý dịch bệnh, người nuôi cần thực hiện tốt các khâu cải tạo ao, đầm; con giống phải mua ở những cơ sở uy tín, trước khi thả phải được kiểm dịch và xét nghiệm các bệnh nguy hiểm. Sau khi thả phải đặc biệt chú ý đến công tác quản lý môi trường ao nuôi; thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh các yếu tố môi trường cho phù hợp với tôm, cá nuôi. Riêng với ngao, người nuôi nên thả đúng mật độ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Trong quá trình chăm sóc phải thường xuyên vệ sinh các vây lưới để tạo sự thông thoáng; định kỳ bổ sung thêm cát, san lấp các vũng đọng; san thưa mật độ ngao khi thấy hiện tượng ngao bị dồn vào các chân vây. Trong mùa nắng nóng, khuyến cáo người dân chủ động thu hoạch ngao đạt kích cỡ thương phẩm.

Mặc dù người dân luôn đặc biệt quan tâm đến khâu chăm sóc, bảo vệ các đối tượng thủy sản nhưng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường khiến con nuôi dễ mắc các loại dịch bệnh. Những năm gần đây, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng trong tỉnh đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, thời gian qua ở một số địa phương đã xuất hiện bệnh đốm trắng trên tôm khiến tôm bị chết rải rác. 

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Toàn tỉnh hiện nuôi thả gần 400ha tôm thẻ chân trắng. Từ đầu tháng 5 đến nay, có gần 27ha xuất hiện tôm chết rải rác do mắc bệnh đốm trắng. Tôm mắc bệnh được xác định do nhiều nguyên nhân như lây nhiễm từ nguồn tôm bố mẹ; chất lượng tôm giống chưa bảo đảm; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; thả tôm giống không thống nhất theo lịch khuyến cáo; trong ao nuôi tồn tại cua, cáy, tảo có sẵn mầm bệnh; các đối tượng người, chim di chuyển từ vùng dịch sang vùng chưa bị dịch; tác động của thời tiết làm môi trường thay đổi đột ngột tạo điều kiện cho mầm bệnh bùng phát; việc áp dụng khoa học công nghệ trong quá trình nuôi tôm còn hạn chế. Trước tình hình dịch bệnh như vậy, người nuôi tôm cần chú trọng công tác chăm sóc, quản lý tôm nuôi. Cho tôm ăn thức ăn bảo đảm chất lượng, không để dư thừa lượng thức ăn gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, đáy ao tạo cơ hội phát sinh dịch bệnh. Kiểm soát tốt các yếu tố môi trường trong ngưỡng cho phép, cụ thể như nhiệt độ từ 28 - 30oC; mực nước dao động từ 1,2m trở lên; độ trong từ 25 - 30cm; độ mặn dưới 15%o; độ pH từ 7,5 - 8,5; oxy trên 50mg/l… để tạo môi trường thuận lợi cho tôm sinh trưởng. Định kỳ sử dụng các chế phẩm cho phép để cải tạo nguồn nước cũng như bổ sung xuống ao nuôi các chế phẩm sinh học chứa vi khuẩn có lợi để hạn chế các vi khuẩn có hại ở trong ao. Khoanh vùng những ao nuôi nhiễm dịch bệnh để thực hiện công tác khử trùng, diệt khuẩn, tránh lây lan dịch bệnh; không xả thải nước cũng như xác tôm bị bệnh ra môi trường ngoài để tránh ô nhiễm diện tích xung quanh.

Năm 2018, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt gần 15.000ha, phấn đấu sản lượng đạt trên 147.000 tấn. Hy vọng với sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương, sự chủ động, tích cực của các hộ nuôi trồng thủy sản, dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản sẽ được kiểm soát và khống chế kịp thời, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Thanh Huyền


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày