Thứ 7, 23/11/2024, 22:36[GMT+7]

Khám khiếm thính cho trẻ em góp phần nâng cao chất lượng dân số

Thứ 6, 29/06/2018 | 08:36:17
1,872 lượt xem
Kết quả bước đầu của chương trình khám khiếm thính, trong hơn 1 tháng đã có 10.051 trẻ em ở 23 trường mầm non và 2 bệnh viện được các bác sĩ đến từ Bệnh viện Nhi Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội khám sàng lọc, đo thính lực bằng thiết bị hiện đại.

Để tạo sự thân thiện, các bác sĩ khám khiếm thính cho trẻ em không mặc áo blouse trắng.

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số, thời gian qua, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều chương trình, dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân thuộc các lứa tuổi. Trong đó, khám khiếm thính cho trẻ sơ sinh và trẻ lứa tuổi mầm non là một trong những chương trình mang ý nghĩa thiết thực, được nhiều người dân ủng hộ.

Theo số liệu từ ngành Y tế, cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có 2 - 5 trẻ bị giảm thính lực bẩm sinh. Tỷ lệ này tăng gấp 4 - 5 lần ở trẻ có nguy cơ cao như trẻ sinh non với cân nặng thấp, mẹ mắc các bệnh truyền nhiễm trong 3 tháng đầu của thai kỳ... Ngoài nguyên nhân bẩm sinh, còn có nhiều nguyên nhân khác khiến trẻ bị giảm thính lực hoặc điếc hoàn toàn. Trẻ khiếm thính nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách sẽ trở thành người tàn tật, không chỉ thiệt thòi cho các em mà còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Song nếu trẻ khiếm thính được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời sẽ giảm tỷ lệ tàn tật. Trẻ có thể phục hồi được khả năng nghe, từ đó phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, tham gia học tập, giao tiếp, hòa nhập cộng đồng bình thường như mọi đứa trẻ khác. Tuy nhiên, trẻ khiếm thính thường không được phát hiện sớm từ ông bà, cha mẹ, giáo viên bởi biểu hiện bệnh không rõ ràng, khó phát hiện. Để phát hiện sớm và chính xác trẻ khiếm thính cần có sự thăm khám từ bác sĩ chuyên khoa và hỗ trợ từ thiết bị y tế hiện đại.

Ông Tô Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh chia sẻ: Hiểu rõ việc khám phát hiện sớm khiếm thính cho trẻ sơ sinh, trẻ lứa tuổi mầm non và can thiệp kịp thời có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội triển khai dự án khám sàng lọc khiếm thính miễn phí cho trẻ em. Bước đầu thực hiện khám tại 18 trường mầm non thuộc huyện Vũ Thư và thành phố Thái Bình, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phụ sản Thái Bình. Đây cũng là một trong những nội dung nằm trong các hoạt động sàng lọc thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số của tỉnh. Qua việc triển khai khám khiếm thính, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh còn mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là các gia  đình có trẻ từ 0 - 60 tháng tuổi, phụ nữ có thai, giáo viên các trường mầm non và đội ngũ cán bộ y tế về tầm quan trọng của việc phát hiện, can thiệp sớm trẻ khiếm thính và gặp các vấn đề về nghe nói, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.

Theo cô giáo Đỗ Thị Ngoàn, Hiệu trưởng Trường Mầm non 1/6: Lứa tuổi mầm non là lứa tuổi tốt nhất để trẻ phát triển ngôn ngữ. Trong quá trình giảng dạy, nhà trường từng có những học sinh bị khiếm thính dẫn đến phát triển ngôn ngữ kém, tiếp thu kiến thức chậm so với các bạn. Bởi vậy, nhà trường rất ủng hộ việc triển khai khám sàng lọc khiếm thính miễn phí cho các con. Là một trong những đơn vị được thụ hưởng chương trình, cũng là lần đầu tiên nhà trường được đón đoàn bác sĩ khám chuyên sâu về khiếm thính cho học sinh, chúng tôi rất phấn khởi và tích cực phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các bác sĩ làm việc. Qua chương trình, giáo viên chúng tôi cũng được các bác sĩ bổ sung kiến thức và cách phát hiện trẻ khiếm thính trong quá trình nuôi dạy trẻ. Đây cũng là cơ hội cho các bậc phụ huynh không có điều kiện đưa con đi khám chuyên sâu, hiểu rõ tình trạng bệnh của con mình. Đặc biệt, đối với các con không may mắc bệnh, được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời để có thể tránh bị tàn tật. 

Chị Hoàng Thị Hoa, phường Quang Trung (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Khám khiếm thính cho trẻ em rất quan trọng nhưng từ trước tới giờ tôi không nghĩ tới. Nay con tôi đã được các bác sĩ chuyên khoa khám, tôi rất phấn khởi, yên tâm. Mong rằng ngành dân số tiếp tục triển khai thêm nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe trẻ em để các con được hưởng lợi, phụ huynh chúng tôi được nâng cao kiến thức, chăm sóc tốt hơn sức khỏe cho gia đình.

Kết quả bước đầu của chương trình khám khiếm thính, trong hơn 1 tháng đã có 10.051 trẻ em ở 23 trường mầm non và 2 bệnh viện được các bác sĩ đến từ Bệnh viện Nhi Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội khám sàng lọc, đo thính lực bằng thiết bị hiện đại. Đã có 133 trẻ được phát hiện có vấn đề về thính lực được giới thiệu lên Trường Đại học Y Hà Nội khám miễn phí lần 2, nếu xác định trẻ mắc bệnh sẽ được chương trình hỗ trợ kinh phí điều trị. 

Từ kết quả của chương trình, ông Tô Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Sở Y tế sẽ tiếp tục làm việc với Tổng cục Dân số và Trường Đại học Y Hà Nội để kêu gọi dự án tiếp tục tài trợ, triển khai sàng lọc khiếm thính cho trẻ em trên địa bàn. Dự kiến thời gian tới chúng tôi sẽ triển khai tại Bệnh viện Phụ sản một trung tâm khám sàng lọc miễn phí theo xu thế xã hội hóa nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số, giảm tỷ lệ trẻ em khuyết tật, góp phần nâng cao sức khỏe, mang lại cho trẻ em cuộc sống, tương lai tốt đẹp hơn. Chúng tôi cũng xin lưu ý các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và cộng đồng quan tâm hơn, tìm hiểu, trang bị kiến thức về khiếm thính để có thể phối hợp tốt giữa gia đình, nhà trường và các bác sĩ để phát hiện sớm, điều trị kịp thời trẻ khiếm thính, tránh thiệt thòi và bất hạnh cho các em và gia đình.

Cần sớm đưa trẻ đi khám khiếm thính nếu trẻ có các biểu hiện sau:


  • Không phản ứng với tiếng động lớn đột ngột.
  • Không bị đánh thức bởi tiếng ồn.
  • Không xoay đầu theo hướng giọng nói của người thân.
  • Không làm theo hoặc không hiểu các hướng dẫn của bạn.
  • Khó khăn trong phát triển ngôn ngữ.
  • Nói to hoặc không sử dụng kỹ năng ngôn ngữ thích hợp theo lứa tuổi.

Hà Dung