Thứ 4, 27/11/2024, 00:27[GMT+7]

Xét nghiệm sớm phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Thứ 3, 03/07/2018 | 08:12:29
515 lượt xem
Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những hoạt động quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, được ngành Y tế, các cấp, các ngành triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp hữu hiệu là người mẹ cần xét nghiệm HIV sớm để biết tình trạng bệnh của mình. Nếu người mẹ nhiễm HIV và được phát hiện, kịp thời can thiệp sẽ giảm thiểu số trẻ lây nhiễm HIV từ mẹ.

Lấy máu xét nghiệm HIV tại phòng khám ngoại trú HIV/AIDS.

Bác sĩ Phạm Nam Thái, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh nói chung, phòng, chống lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng được các cấp, các ngành và ngành Y tế quan tâm, tích cực triển khai bằng nhiều hình thức. Tính đến hết tháng 5/2018, toàn tỉnh hiện đang quản lý 3.313 người nhiễm HIV/AIDS. Số người nhiễm HIV là phụ nữ khá cao với 855 người, chiếm tỷ lệ 25,8%. Trong số người nhiễm HIV được quản lý và hiện đang còn sống có 43 trường hợp là trẻ em. Ngoài ra, hàng tháng, qua công tác giám sát, trung bình hệ thống y tế phòng, chống HIV/AIDS đã phát hiện có thêm từ 5 - 10 người nhiễm HIV mới, trong đó đã có trường hợp người nhiễm HIV là phụ nữ và phụ nữ mang thai.

Do đặc thù cơ chế lây truyền HIV từ mẹ sang con chủ yếu ở 3 giai đoạn: lây truyền trong lúc mang thai, lây truyền trong lúc sinh và lây truyền qua bú sữa mẹ. Vì vậy, nếu biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, người mẹ kịp thời đến các cơ sở y tế để được tư vấn, hỗ trợ điều trị thì sẽ giảm được các nguy cơ lây truyền HIV sang con. Nếu người mẹ không biết rõ tình trạng nhiễm HIV của mình thì trong quá trình mang thai có thể làm tăng nguy cơ lây truyền HIV sang con và bỏ lỡ hoạt động điều trị.

Thực tế công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh thời gian qua, trong khi có nhiều phụ nữ nhiễm HIV, duy trì điều trị ARV đều đặn vẫn có cuộc sống gia đình hạnh phúc, sinh con khỏe mạnh không nhiễm HIV. Song cũng đã có những trường hợp đáng tiếc khi người mẹ chủ quan không đi xét nghiệm, không biết mình nhiễm HIV, khi mang thai không được điều trị dự phòng dẫn đến lây truyền HIV sang con. 

Chị Nguyễn Thị Mai, chủ nhiệm câu lạc bộ hy vọng - câu lạc bộ những người nhiễm HIV ở Đông Hưng, đồng thời là đồng đẳng viên hỗ trợ bệnh nhân tại Phòng khám ngoại trú HIV/AIDS Đông Hưng chia sẻ: Năm 2017 có 4 trường hợp phụ nữ ở Đông Hưng đến khi sinh mới biết mình bị nhiễm HIV qua xét nghiệm máu, được chuyển về điều trị tại cơ sở. Họ không phải là đối tượng có nguy cơ nên trước và trong quá trình mang thai đều chủ quan không xét nghiệm HIV nên đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Để tránh tình trạng trên, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, tăng cường truyền thông rộng rãi về vai trò, lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; những thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn và giảm nguy cơ lây truyền HIV cho con; các biện pháp dự phòng lây nhiễm; lợi ích của việc dự phòng sớm lây nhiễm HIV... 

Để phòng, chống hiệu quả lây truyền HIV từ mẹ sang con, công tác can thiệp cần được thực hiện trước khi sinh con như tư vấn xét nghiệm HIV, sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục; điều trị nhiễm trùng cơ hội; sử dụng thuốc kháng vi rút để điều trị cho mẹ hoặc điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Đối với phụ nữ trong khi sinh con, chưa tiếp cận các can thiệp trước sinh cần được tư vấn xét nghiệm nhanh HIV. Nếu dương tính cần sử dụng phác đồ thuốc kháng vi rút dự phòng lây truyền từ mẹ sang con theo hướng dẫn. Do HIV cũng có thể lây ở giai đoạn sau sinh, công tác dự phòng chủ yếu là tư vấn cho người mẹ về lợi ích và nguy cơ lây truyền HIV khi cho trẻ bú. Hướng dẫn bà mẹ nên nuôi con bằng sữa thay thế, nếu không có điều kiện nuôi con bằng sữa thay thế thì vẫn bú hoàn toàn trong những tháng đầu, song sớm cai sữa, chuyển ăn dặm ngay khi có thể để giảm nguy cơ lây truyền HIV cho trẻ...

Bác sĩ Phạm Nam Thái cũng cho biết: Thực hiện công tác phòng, chống lây truyền HIV từ mẹ sang con, riêng trong năm 2017, hệ thống phòng, chống HIV/AIDS đã tổ chức tư vấn trước xét nghiệm cho 22.409 phụ nữ; xét nghiệm cho HIV 19.421 ca, đã phát hiện được 13 trường hợp dương tính với HIV. Có 10 phụ nữ được điều trị ARV trước khi mang thai; 6 người điều trị trong quá trình mang thai và 12 phụ nữ được bắt đầu điều trị ARV trong quá trình chuyển dạ đẻ.

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã trở thành hoạt động thường xuyên, ưu tiên của chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Đồng thời là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi hàng năm cứu được hàng nghìn trẻ tránh được nguy cơ lây truyền HIV, góp phần phòng, chống sự lây lan của đại dịch AIDS, bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Hà Dung