Thứ 7, 23/11/2024, 18:33[GMT+7]

Tích tụ ruộng đất làm giàu

Thứ 3, 03/07/2018 | 08:37:20
1,314 lượt xem
Tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, đã và đang được triển khai thực hiện tại các địa phương. Không nằm ngoài hướng đi đó, gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, thôn Lộc Điền, xã Việt Hùng (Vũ Thư) đã mạnh dạn nghiên cứu thị trường, đưa giống cây, con mới vào để chăn nuôi và trồng trọt trên diện tích đất thuê lại của xã và các hộ trong vùng. Cũng từ đây, “tấc đất” sinh ra “tấc vàng”.

Với sản lượng trung bình 3 tấn/sào/vụ, trồng bí xanh mang lại cho gia đình ông Sơn nguồn thu đáng kể.

Gần 2 năm trước, trên những dải đất của cánh đồng thôn Lộc Điền, người dân chỉ cấy hai vụ lúa, năng suất không cao. Giờ đây, cũng trên chính những thửa ruộng ấy, người nông dân “chân lấm, tay bùn” Nguyễn Văn Sơn đã gom từng mảnh ruộng, biến cánh đồng trồng lúa kém hiệu quả thành “bờ xôi ruộng mật” bằng mô hình trồng bí xanh, chăn nuôi bò, vịt, gà… 

Chia sẻ về việc làm của mình, ông Sơn cho biết: Trước đây gia đình tôi chỉ trồng toàn lúa nước, năng suất thấp mà phải bỏ nhiều công chăm sóc, thu nhập cũng không được là bao. Sau một thời gian dài nghiên cứu thị trường, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây bí xanh nên tôi đã quyết định trồng thêm bí xanh song song với việc cấy lúa và chăn nuôi.

Người dân thôn Lộc Điền còn nhớ mãi hình ảnh ông Sơn vào cuối năm 2016 “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động các hộ dân trong thôn cho ông thuê trên 1ha đất để chăn nuôi và trồng trọt. Tuy nhiên, nhận thấy diện tích đất thuê chưa đủ để phát triển kinh tế, ông Sơn đã mạnh dạn thuê thêm 14ha đất của xã, tổng diện tích đất thuê lên đến trên 15ha. Tận dụng diện tích đất của gia đình sẵn có và diện tích đất đã thuê, ông quy hoạch gọn 14ha đất thành vùng sản xuất chuyên canh trồng cây bí xanh; trên 2ha đất cấy, hơn 4ha đất chuyển đổi của gia đình còn lại để chăn nuôi và trồng các loại cây khác. Ngay vụ bí đầu tiên, ông đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mua lưới và tre làm giàn, đào đắp hệ thống mương máng để tiêu thoát nước. 

Trồng hơn 1 mẫu bí xanh thử nghiệm ban đầu có lãi nên ông Sơn đã mở rộng diện tích gieo trồng lên 14ha. Từ vùng đất cấy lúa kém hiệu quả, đến nay, màu xanh của bí đã phủ kín, trải dài hút tầm mắt. Xác định việc tuân thủ chặt chẽ kỹ thuật chăm sóc là chìa khóa để thành công nên ông Sơn thuê 15 nhân công làm liên tục với giá 150.000 đồng/người/ngày. Trung bình mỗi vụ, bí xanh cho sản lượng khoảng 3 tấn/sào, với giá bán 4.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình ông Sơn thu lãi trên 300 triệu đồng/năm.

Chia sẻ thêm về lý do chọn cây bí xanh, ông Sơn cho biết: Bản thân tôi đã đi tham khảo nhiều mô hình trồng bí ở nhiều nơi như Thanh Hóa, Hòa Bình, Bắc Giang…, nhận thấy rất hiệu quả. Hơn nữa bí là loại cây ưa chân đất thịt pha, rất phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng quê tôi, đỡ tốn công chăm sóc, hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần cấy lúa. Đặc biệt, trên diện tích đất trồng lúa khó chủ động về nguồn nước nhưng trồng bí sẽ khắc phục được tình trạng thiếu nước trong sản xuất. Đầu ra sản phẩm luôn được các thương lái thu mua tận ruộng không phải mang đi bán xa.

Bên cạnh đó, để tạo sự bền vững trong sản xuất, ông Sơn đã tìm kiếm thị trường tiêu thụ tại các chợ đầu mối ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, cung cấp hạt giống cho các công ty giống cây trồng, viện rau củ quả. Đồng thời ông ưu tiên tạo việc làm cho những gia đình ông thuê đất với mức thu nhập ổn định, từ đó người nông dân luôn phấn khởi khi được canh tác trên chính thửa ruộng của gia đình mình. Dự kiến, vụ bí hè thu sắp tới, gia đình ông sẽ đưa vào trồng giống bí xanh Nova và Nông Việt, mở rộng thêm diện tích để có sản lượng và chất lượng cao hơn.

Không chỉ làm giàu từ mô hình trồng bí, trên diện tích đất thuê, ông Sơn còn quy hoạch thành vùng chăn nuôi hơn 30 con bò, 600 con gà, trên 1.000 con vịt và duy trì 2ha trồng lúa. Tận dụng diện tích đất lưu không, ông Sơn còn trồng thêm các loại cây ăn quả như bòng, dưa lê… Sau khi trừ mọi chi phí, tổng thu lãi một năm của gia đình ông Sơn đạt trên 700 triệu đồng.

Ông Bùi Quang Thạo, Giám đốc HTXNN Phú Lộc (Việt Hùng) cho biết: Sự kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn là việc làm tích cực, giúp đẩy nhanh việc phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong đó, mô hình trồng bí xanh là một cách làm mới đột phá trong sản xuất nông nghiệp của xã mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Thời gian tới, xã sẽ khuyến khích và hướng dẫn các hộ dân trong vùng học hỏi mô hình của gia đình ông Sơn để phát triển kinh tế.

 Thu Trang

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày