Thứ 7, 23/11/2024, 23:46[GMT+7]

Tinh hoa chạm bạc Đồng Xâm

Thứ 2, 13/04/2020 | 09:00:09
10,031 lượt xem
Vốn nổi tiếng khắp nơi bởi độ tinh xảo với những món hàng độc đáo, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương đã trở thành đặc trưng của miền quê nơi đây.

Ghi dấu sử sách


Theo sử sách ghi lại: Vào năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) đời vua Lê Thái Tổ, ở làng Đồng Xâm lúc đó có ông Nguyễn Kim Lâu vốn làm nghề hàn xanh, hàn nồi đồng lên châu Bảo Lạc (nay thuộc Cao Bằng) hành nghề, rồi cũng ở đó ông học được nghề kim hoàn, trở về làng ông đem truyền dạy nghề cho dân. Lúc đầu ông mở xưởng tại nhà, sau truyền ra cả làng. Từ làng Đồng Xâm đến các làng Tả Phụ, Hữu Bộc, Dương Cước, Xuân Cước... Ban đầu, mới chỉ làm nghề đồng doa, sửa chữa các đồ bằng đồng, qua năm tháng phát triển thành nghề mỹ nghệ chuyên chạm khắc các đồ gia dụng bằng đồng, dần dần làm được các đồ trang sức bằng vàng, bạc... Lúc đầu người Đồng Xâm làm tại quê, khi có sản phẩm thì đem đi bán ở khắp nơi, đến cả kinh kỳ. Có người mang đồ nghề đi làm ở các nơi. Đến cuối thời Lê Trung Hưng thì nghề chạm bạc Đồng Xâm đã nổi tiếng, phát triển thành các phường thợ, mỗi phường thợ làm một công đoạn: trơn, đầu, đậu, chạm; thợ làm ở công đoạn nào thì thấu hiểu công đoạn ấy, không biết việc ở công đoạn khác. Đây cũng là cách giữ bí mật nghề. Thời ông Nguyễn Kim Lâu còn sống, ông là chủ phường, lúc đó đã ngót 150 thợ, ông đặt tên là phường Phúc Lộc, rồi chia phường thành 7 chi, mỗi chi phường cai quản một hạng thợ. Từ cuối thời Lê thế kỷ XVIII, nhiều thợ bạc Đồng Xâm đã được triệu lên kinh đô phục vụ triều đình làm các vật dụng khảm, chạm vàng, bạc trên những ngai thờ, mũ thờ. Thời nhà Nguyễn, thợ bạc Đồng Xâm làm nhiều sản phẩm để triều đình mua dùng làm quà tiến cúng. Dân làng còn nhớ tới thời Tự Đức có cụ Lưu Quang Chế được vua triệu vào cung sửa chữa ngai vàng, làm các đồ trang sức cho hoàng cung sau được triều đình ban cho hưởng lộc bát phẩm.


Nghề chạm bạc Đồng Xâm càng phát triển thì tay nghề của những người thợ nơi đây càng tinh xảo. Người làng Đồng Xâm còn lưu giữ được những sản phẩm thể hiện được tài năng, trí tuệ và khéo léo của những người thợ lớp trước như bộ lư đỉnh bằng bạc; tranh xuân, hạ, thu, đông; tranh tứ bình... Hàng bạc Đồng Xâm dáng thanh thoát, chạm chuốt tinh xảo, đường ve, nước vuốt chuẩn mực đến từng chi tiết nhỏ như hạt kê, sợi tóc, có độ chênh bong cao, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có những nghệ nhân nổi tiếng và đến nay nhiều người trong làng được phong tặng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú.

Tay nghề của người thợ chạm bạc Đồng Xâm ngày càng tinh xảo. Ảnh tư liệu


Sức sống bất diệt


Theo các nghệ nhân ở làng kể lại: Nghề chạm bạc thường có lúc thịnh lúc suy bởi sản phẩm của người thợ chạm bạc Đồng Xâm làm ra là những mặt hàng cao cấp, xưa được bán cho triều đình, cho các nhà giàu có, thích làm sang. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và thời kỳ bao cấp, nghề chạm bạc sống thoi thóp, một số gia đình đã bỏ nghề, một số HTX gần như phải giải thể. Nhưng từ giữa thập kỷ 1990 đến nay, nghề chạm bạc đã được phục hồi nhờ kinh tế chung của đất nước phát triển và chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước. Không chỉ người Đồng Xâm mà xã Lê Lợi cũng có làng nghề chạm bạc. Sản phẩm qua các đại lý ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh xuất đi nhiều nước. Hiện nay, nghề chạm bạc đã thu hút hơn 50% số lao động của xã Hồng Thái, Lê Lợi với hơn 4.000 lao động có thu nhập ổn định, giá trị sản xuất đạt hàng trăm tỷ đồng/năm. Nghệ nhân nhân dân Phạm Văn Nhiêu cho biết: Không khí làm việc trong các tổ nghề luôn hối hả, đi tới đâu cũng nghe thấy tiếng búa, tiếng đục, hàn, chạm trổ... Người làm nghề không bao giờ hết việc, làm quanh năm không ngừng nghỉ và không bao giờ phải lo đầu ra sản phẩm. Khác với trước đây người dân làm theo kế hoạch giao, từ khi phát triển theo cơ chế thị trường thì mỗi người trong làng nghề lại có hướng đi riêng, do đó sản phẩm rất đa dạng. Tuy nhiên, người trong làng còn lưu giữ được những sản phẩm thể hiện được tài năng, trí tuệ và sự khéo léo của những người thợ lớp trước như bộ lư đỉnh bằng bạc; tranh xuân, hạ, thu, đông; tranh tứ bình... Sản phẩm chạm bạc dùng để trang trí, làm đồ dùng nên không chỉ phục vụ cho những nhà giàu, khá giả, các đô thị mà còn len lỏi đến các vùng quê xa xôi, hẻo lánh. Vì thế đến nay, bất kỳ sản phẩm gì người Đồng Xâm cũng có thể làm được, từ vàng, bạc, đồng hay các vật dụng bằng vàng, bạc của miền núi như cối giã trầu, đôi khuyên tai hay bộ xà tích vừa đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, vừa duy trì, phát triển nghề truyền thống.


Đến nay, mặc dù đã có rất nhiều máy móc công nghệ hiện đại nhưng người dân trong làng nghề vẫn làm thủ công và nhận nhiều mặt hàng khó để giữ nghề và giữ thương hiệu cho làng nghề. Cơ sở chạm bạc Thái Úy là một điển hình. Mặc dù cơ sở đã đầu tư khá nhiều máy móc nhưng đó chỉ là một số công đoạn chứ không phải thay thế hoàn toàn sức người. Anh Tạ Văn Úy, chủ cơ sở chia sẻ: Làm một sản phẩm có rất nhiều công đoạn song cần nhất là sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi tay người thợ nên tôi vẫn duy trì làm thủ công, nhất là phần chạm. Dùng máy ép thì mỗi ngày có thể ra hàng trăm bức tranh nhưng nếu làm thủ công thì mấy người làm vài ngày mới được một bức. Vì thế, người Đồng Xâm luôn giữ được độ tinh tế của sản phẩm. Nhiều sản phẩm của làng nghề được khách hàng đánh giá cao và luôn trong tình trạng cháy hàng bởi rất phù hợp để trang trí như tranh, đồ thờ, linh kiện đồng hồ...


Nhờ phát triển nghề mà người dân trong làng ngày càng khá giả. Và ấn tượng hơn cả là chưa bao giờ Đồng Xâm ngừng tiếng búa, tạo nên nét văn hóa làng nghề đặc sắc nhất trong các làng nghề ở Kiến Xương và tỉnh Thái Bình.

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày