Vũ Thư giữ gìn và phát huy nghề truyền thống
Làng nghề làm chổi chít hay còn gọi là chổi đót ở thôn Hợp Tiến, xã Tam Quang (Vũ Thư) quanh năm sôi nổi, khẩn trương với những xe ô tô vận chuyển hàng đi, hàng đến, những người thợ làm nghề luôn tất bật.
Ông Đỗ Đại Tần, chủ cơ sở sản xuất chổi chít thôn Hợp Tiến cho biết: Gia đình tôi làm nghề sản xuất chổi chít lâu đời nhưng gần 20 năm nay mở rộng thành cơ sở chuyên sản xuất chổi chít. Hiện tại, mỗi năm, cơ sở nhập 25 tấn chít nguyên liệu, sản xuất 40.000 chiếc chổi, doanh thu đạt khoảng 800 triệu đồng/năm, trừ chi phí thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Nhờ làm chổi chít, gia đình tôi có điều kiện xây nhà, lo cho con cái ăn học và mua sắm đồ dùng tiện nghi, đặc biệt còn tạo việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương với thu nhập từ 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng...
Ông Hoàng Trọng Thư, Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết: Hai làng nghề sản xuất chổi chít thôn Nghĩa Khê và thôn Hợp Tiến của xã hiện thu hút trên 200 hộ với khoảng 700 lao động địa phương tham gia, trong đó có 30 cơ sở sản xuất đạt quy mô từ 5 - 10 lao động/cơ sở. Ngoài ra, nghề làm chổi chít tạo việc làm cho khoảng 300 lao động vệ tinh như cung cấp nguyên liệu, vận chuyển, bán chổi rong. Thu nhập trung bình của lao động làm chổi đạt 2 - 4 triệu đồng/tháng, doanh thu của các cơ sở sản xuất tùy thuộc vào quy mô, từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Năm 2019, hai làng nghề ở xã Tam Quang mang lại nguồn thu ước tính 26 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Nghề đúc đồng cổ truyền được người dân thôn Hiếu Thiện, xã Vũ Hội (Vũ Thư) lưu giữ.
Huyện Vũ Thư hiện có 5 làng nghề được tỉnh công nhận gồm: làng nghề thêu (Minh Lãng; làng nghề cơ khí, chế biến lương thực thực phẩm (Vũ Hội); làng nghề chế biến lương thực thực phẩm (Đồng Thanh); làng nghề chổi chít Nghĩa Khê, Hợp Tiến (Tam Quang).
Ông Nguyễn Tống Thìn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Nhờ có làng nghề và nghề truyền thống, thu nhập của người dân được nâng cao rõ rệt. Hầu hết các hộ gia đình làm nghề đều có thu nhập tốt, cao hơn so với sản xuất nông nghiệp. Diện mạo làng quê ở các làng nghề cũng khang trang hơn. Điều này minh chứng cho hiệu quả của các làng nghề trong giai đoạn hiện nay. Với vai trò quan trọng này, những năm qua, huyện Vũ Thư đặc biệt quan tâm phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống. Huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển nghề, làng nghề truyền thống phù hợp với thực tế, tuyên truyền vận động nhân dân duy trì và mở rộng phát triển các nghề. Huyện chỉ đạo các xã rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới gắn với quy hoạch làng nghề, nhằm huy động các nguồn lực để phát triển các nghề, làng nghề truyền thống. Triển khai thực hiện tốt các chính sách, ưu tiên bố trí ngân sách hàng năm để hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề truyền thống, trước mắt tập trung nguồn lực xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Ngoài duy trì hoạt động làng nghề tại khu dân cư, huyện đã xây dựng được 3 cụm công nghiệp làng nghề xã Nguyên Xá, Vũ Hội, Tam Quang, thu hút 13 cơ sở sản xuất và gần 10 doanh nghiệp tham gia. Những năm qua, tỉnh, huyện đã hỗ trợ xây dựng 2 biển quảng cáo làng nghề ở xã Minh Lãng, Vũ Hội, hiện đang hỗ trợ đầu tư xây dựng biển quảng cáo làng nghề ở xã Nguyên Xá. Huyện tập trung tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân tăng cường cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường; phối hợp với các ngành, các cấp tiến hành đăng ký và xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm nghề, làng nghề truyền thống như cốm Thanh Hương, bánh đa nem, bánh phở, bún Vũ Hội, chổi chít Tam Quang... Cùng với đó, huyện chú trọng vấn đề môi trường ở các làng nghề góp phần giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, những năm gần đây, nghề và làng nghề của huyện phát triển ổn định. Tổng giá trị sản xuất của các làng nghề đạt 480 tỷ đồng/năm. Các làng nghề hiện thu hút 6.233 hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh và 15.231 lao động, trong đó có 5.186 lao động thường xuyên. Thu nhập bình quân của người lao động tại các làng nghề đạt khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Các doanh nghiệp, cơ sở, tổ hợp sản xuất ở hầu hết các làng nghề đều thu lãi hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm từ nghề truyền thống.
Nghề làm chổi chít nâng cao thu nhập cho người dân xã Tam Quang (Vũ Thư).
Do tác động chung, một số nghề, làng nghề liên quan đến xuất khẩu như thêu, ươm tơ, đồ gỗ có nhiều biến động. Ngoài ra, lao động nông thôn hiện nay tập trung nhiều trong lĩnh vực may mặc, việc giữ gìn và phát huy nghề truyền thống gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, nghề và làng nghề vẫn góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Để làng nghề vượt qua khó khăn, phát triển bền vững, thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển nghề và làng nghề theo hướng bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống phù hợp với thị trường, đồng thời hình thành các làng nghề vệ tinh, dịch vụ cho các doanh nghiệp tại khu, cụm công nghiệp lớn. Việc sản xuất các sản phẩm truyền thống có sự kết nối, liên kết với nhau và gắn với phát triển du lịch. Song song với đó, huyện sẽ tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, đưa sản phẩm của làng nghề đến với các hội chợ, triển lãm để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Huyện đã khảo sát, lập danh mục các nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn cần bảo tồn và phát huy đến năm 2030, làm cơ sở để thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các nghề truyền thống do ông cha để lại.
Không chỉ sản xuất nông nghiệp giỏi để tạo nên những cánh đồng 5 tấn/ha đầu tiên, từ xa xưa, người dân Vũ Thư còn nổi tiếng tài hoa, khéo léo làm ra nhiều sản vật độc đáo, hữu ích và thơm ngon. Ngày nay, chính các sản phẩm riêng có từ các làng nghề truyền thống đã giúp người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống no ấm, đầy đủ.
Hà Phương
Tin cùng chuyên mục
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
- Những người dệt mùa xuân 18.01.2023 | 20:39 PM
Xem tin theo ngày
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh năm 2024