Thứ 7, 23/11/2024, 23:41[GMT+7]

Làng nghề 600 năm

Thứ 5, 25/06/2020 | 09:54:11
5,286 lượt xem
Từ một miền đất cổ, hình thành với hàng nghìn năm lịch sử, làng Đồng Xâm, xã Hồng Thái (Kiến Xương) đã duy trì và phát triển nghề chạm bạc truyền thống trên 600 năm. Trải bao biến cố của thời gian, đến nay trở thành làng nghề truyền thống độc đáo, phát triển mạnh. Các sản phẩm của làng nghề không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn vươn ra nước ngoài, ghi dấu ấn trên trường quốc tế.

Nhiều công đoạn chạm bạc được làm thủ công để mang lại độ tinh xảo cho sản phẩm.

Trong cuốn gia phả của làng, ông tổ nghề có từ xa xưa là ông Nguyễn Kim Lâu vốn làm nghề hàn xanh, hàn nồi đồng lên châu Bảo Lạc (nay thuộc tỉnh Cao Bằng) hành nghề rồi trở về làng truyền dạy nghề cho dân. Ban đầu, người trong làng mới chỉ làm nghề đồng doa, sửa chữa các đồ bằng đồng, sau phát triển thành nghề mỹ nghệ chuyên chạm khắc các đồ gia dụng bằng đồng, dần dần làm được các đồ trang sức bằng vàng, bạc... Bắt đầu từ đó, nghề chạm bạc Đồng Xâm nổi tiếng, phát triển mạnh thành các phường thợ.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Ngoan cho biết: Vinh dự cho làng nghề trước đây có sắc vua ban, ngày nay được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận làng nghề và được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cấp bằng chứng nhận là 1 trong 12 làng nghề tiêu biểu toàn quốc. Từ thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp đã dùng sản phẩm của làng nghề xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Tây Âu nên từ lâu tiếng của Đồng Xâm đã vang dội sang các nước trên toàn thế giới. Thời đó hầu như người làng nghề chỉ làm đồ bạc như hàng ăn, bộ văn phòng, khung gương bàn chải... xuất bán nước ngoài. Sau khi tình hình kinh tế thay đổi, hàng xuất khẩu ít dần, Đồng Xâm đã chuyển hẳn sang làm hàng nội địa. Do đó, làng nghề luôn tạo việc làm cho người dân, mở rộng phát triển sang hai xã bên cạnh là Lê Lợi và Trà Giang, hình thành một vùng nghề rộng lớn chạy dài 6km tạo việc làm cho trên 4.000 lao động, với trên 200 tổ sản xuất, đem lại thu nhập bình quân từ 3,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Chính vì thế, từ khi có nghề đến nay, Đồng Xâm chưa bao giờ ngưng tiếng búa. Ngay cả trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua, nhiều nơi phải đóng cửa, công nhân không có việc làm nhưng Đồng Xâm vẫn luôn có việc làm ổn định bởi sản phẩm làm ra không bao giờ thừa và làm sẵn để chờ thời điểm cuối năm. Cũng chính vì thế, hình ảnh của làng nghề luôn đẹp trong mọi lúc, mọi thời điểm, để lại nhiều ấn tượng với du khách. Ngay từ đầu làng là hình ảnh những cửa hàng lớn nhỏ biển hiệu trưng bày sản phẩm chạm bạc. Nhiều nhà có cả khu trưng bày sản phẩm khang trang, bề thế với những bức tranh phong cảnh, những vật dụng quý hiếm theo yêu cầu của khách hàng. Không khí làm việc trong các tổ nghề luôn hối hả, đi tới đâu cũng nghe thấy tiếng búa, tiếng đục, hàn, chạm trổ... Người làm nghề không bao giờ hết việc, làm quanh năm không ngừng nghỉ và không bao giờ phải lo đầu ra sản phẩm.

Nghề chạm bạc ở Đồng Xâm, xã Hồng Thái (Kiến Xương)

Điều đặc biệt là bất kỳ sản phẩm gì người Đồng Xâm cũng có thể làm được, từ vàng, bạc, đồng đều làm theo nhu cầu của thị trường, do đó sản phẩm làng nghề rất đa dạng. Từ các mặt hàng phục vụ thị trường nội địa như hàng trang sức, hàng phục vụ cho đạo Phật, Công giáo thì còn chạm trổ những bức tranh danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở trong nước. Để làm ra một sản phẩm chạm bạc cần rất nhiều công đoạn, trong đó khó nhất là khâu chạm trổ. Khâu này được ví như người viết chữ đẹp, chữ xấu nên người thợ phải có óc thẩm mỹ, có bàn tay hội họa, khéo léo, có con mắt tinh xảo thì mới cho ra được sản phẩm đẹp. Ngoài ra, còn phải cần cù, chịu khó, kiên trì, nhẫn nại mới làm nổi. Bởi vậy, thợ kỹ thuật rất ít và người thợ kỹ thuật giỏi thường làm được 4 mặt: trơn, đấu, đậu, chạm. Đến nay, người trong làng nghề đã ghi dấu bàn tay của mình ở các đình, chùa lớn trong cả nước như Bái Đính, Tam Chúc. Làng Đồng Xâm cũng vinh dự có 2 nghệ nhân nhân dân ngành kim hoàn được Chủ tịch nước vinh danh.

Ấn tượng hơn nữa ở làng nghề này là nghề cha truyền con nối nên tất cả các cháu nhỏ ở quê từ bé đã hiểu về nghề, yêu nghề bởi chỉ cần làm ở nhà mà không phải đi bất cứ đâu xa nhưng lại có thu nhập ổn định. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Hồng Thái còn 1,98%, hộ giàu chiếm trên 30%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 46 triệu đồng/năm.

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày