Thứ 6, 15/11/2024, 05:01[GMT+7]

Sắc màu làng nghề

Thứ 3, 09/02/2021 | 18:36:44
5,909 lượt xem
Đến với Thái Bình là đến với mảnh đất “trăm nghề”. Mỗi làng nghề đều giữ trong mình những trầm tích của lịch sử, những tinh hoa nghề thủ công của ông cha. Thăm các làng nghề với muôn sắc màu, giàu cảm xúc có lẽ sẽ là trải nghiệm ấn tượng đến xốn xang của mỗi ai có dịp đến Thái Bình mùa xuân này.

Dệt đũi Nam Cao (Kiến Xương) nổi tiếng với những tấm đũi, lụa mềm, bền và đẹp.

Nói Thái Bình là đất trăm nghề chẳng sai bởi gần như mỗi xã đều có một nghề truyền thống, nhiều làng nghề có tuổi đời 500 - 600 năm. Sản phẩm của các làng nghề cũng đa dạng, không thể lẫn với bất cứ nơi đâu và khi nhắc đến tên đất, tên làng là người ta nghĩ ngay đến vùng địa linh nhân kiệt Thái Bình. Tiêu biểu trong số đó phải kể tới làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, làng nghề dệt đũi Nam Cao (Kiến Xương); làng rèn An Tiêm (Thái Thụy); làng nghề dệt chiếu Tân Lễ, dệt vải Phương La (Hưng Hà); làng nghề thêu Minh Lãng, làng cốm Đồng Thanh (Vũ Thư); làng nghề đúc đồng An Lộng (Quỳnh Phụ); làng nghề làm bánh cáy Nguyên Xá (Đông Hưng)...

Tới thăm mỗi làng nghề, du khách được chiêm ngưỡng những sản phẩm độc đáo được làm từ sự sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa của người thợ thủ công. Đặc biệt, du khách có cơ hội tìm hiểu về nguồn cội của làng nghề thông qua lời kể của các bậc cao niên hấp dẫn như câu chuyện cổ tích và chiêm bái di tích lịch sử thờ các vị tổ nghề - người gây dựng, đem nghề từ nơi khác về truyền thụ cho dân làng. Ví như đến làng vườn Bách Thuận (Vũ Thư), mọi người sẽ được thăm đền thờ bà Phạm Thị Xuân Dung, còn gọi là “Ả Lã Phương Dung công chúa”, tổ nghề trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ ở làng Thuận Vi. Tương truyền bà theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Hán, sau thắng lợi bà về làng Thuận Vi mở đất, dạy dân trồng dâu, nuôi tằm. Hay đến làng rèn An Tiêm (xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy), mọi người được tìm hiểu tổ nghề rèn sắt mà làng rèn thờ với vị hiệu “Dã Tượng tiên sư”. Nơi đây còn di chỉ của một công trường rèn sắt thời Trần; tương truyền là công trường rèn vũ khí của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông 1285 - 1288. Có dịp đến làng dệt chiếu xã Tân Lễ, chúng ta thăm đền thờ Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, người có công dạy dân cải tiến khung dệt, nhuộm sợi, chẻ cói, xe đay để dệt chiếu làm nên thương hiệu chiếu Hới nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Hàng năm, tại ngôi đền này, nhân dân trong làng vẫn tổ chức hội trình nghề, trong đó có trưng bày các loại chiếu và biểu diễn kỹ thuật dệt chiếu rất đông vui. Còn làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương) thờ Nguyễn Kim Lâu làm tổ nghề vì ông có công truyền dạy nghề kim hoàn cho dân làng. Hiện ngôi đền thờ và bia đá khắc ghi công ông vẫn còn nguyên vẹn dù trải qua hơn 600 năm. Các di tích thờ tổ nghề để lại không chỉ kế mưu sinh cho người dân làng nghề mà còn là đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam góp phần giáo dục đạo đức cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Bánh cáy, kẹo lạc làng Nguyễn (Đông Hưng) - món quà quê đặc sản của Thái Bình.

Những người thợ thủ công thêu nên bức tranh gấm vóc của mùa xuân.

Trong cái mơn man, mới mẻ của đất trời vào mùa xuân, sẽ là rất thú vị khi chúng ta được đi và khám phá các địa danh, nơi lưu giữ những tinh túy nghề thủ công của các bậc tiền nhân trên mảnh đất Thái Bình thông qua các nghệ nhân cao tuổi cho tới những đứa trẻ sớm đã biết làm nghề. Ngoài chiêm ngưỡng, cảm thụ các sản phẩm độc đáo, tinh xảo làm bằng kim khí, mây, tre, đan, thêu... du khách còn được thưởng thức các loại sản vật được làm từ những nông sản quý, sự khéo tay và cả tấm lòng thơm thảo của người dân thôn quê như cốm Đồng Thanh, bánh gai Tân Hòa, bánh cáy làng Nguyễn, miến dong Đông Thọ, bánh đa Me, bánh đa Quỳnh Côi...

Người dân tâm vững với nghề nên cuộc sống cũng đuề huề tiến lên. Sự đổi thay tích cực ấy đã dệt nên bức tranh nông thôn mới tràn nhựa sống, ru mời du khách về thăm Thái Bình.

Hà Thanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày