Thứ 6, 15/11/2024, 05:35[GMT+7]

Vũ Thư: Các làng nghề truyền thống vươn lên trong đại dịch

Thứ 6, 03/09/2021 | 21:27:49
2,518 lượt xem
Gần 2 năm qua, đặc biệt từ khi đợt dịch Covid-19 thứ tư xuất hiện tại Việt Nam, các nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Vũ Thư gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, các cơ sở sản xuất, người dân làng nghề vẫn không ngừng nỗ lực, quyết tâm duy trì ổn định sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, gìn giữ nghề truyền thống của cha ông.

Nghề đúc nhôm truyền thống ở xã Vũ Hội (Vũ Thư) vẫn được bà con duy trì dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cơ sở sản xuất đồ nhôm gia dụng của gia đình chị Phạm Thị Phương, thôn Mỹ Am hiện có quy mô sản xuất lớn nhất xã Vũ Hội. Chị Phương cho biết: Trước kia, mỗi năm gia đình tôi đúc khoảng 200 tấn nhôm với nhiều sản phẩm nhôm gia dụng, tạo việc làm cho 15 lao động trực tiếp và hàng trăm lao động gián tiếp. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm gia đình tôi có nguồn thu gần 1 tỷ đồng từ nghề đúc nhôm truyền thống. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nhôm của thị trường giảm, sản lượng, doanh thu của gia đình giảm 50%. Đặc biệt, gần 2 tháng nay gia đình tôi không xuất được đơn hàng nào do thị trường tiêu thụ sản phẩm là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam. Rất nhiều khó khăn về vốn đầu tư, lo lắng về sản phẩm tồn đọng nhưng tôi quyết tâm duy trì hoạt động sản xuất của cơ sở. Công nhân tại cơ sở vẫn có việc làm ổn định, thu nhập không giảm. Doanh thu và lợi nhuận của cơ sở tạm thời giảm sâu nhưng gia đình tôi vẫn nỗ lực cao nhất để ổn định sản xuất.

Ông Mai Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Vũ Hội cho biết: Vũ Hội là xã nghề với 230 cơ sở sản xuất ở 17 ngành, nghề khác nhau, trong đó có 51 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, xay xát; 42 cơ sở làm bún, bánh; 30 cơ sở sản xuất rượu truyền thống; 25 cơ sở sản xuất đồ gỗ; 20 cơ sở làm đậu phụ; 15 cơ sở sản xuất đồ cơ khí..., thu hút hơn 5.300 lao động tham gia. Thông thường, các ngành nghề truyền thống mang lại 60 - 65% tổng giá trị sản xuất của địa phương, góp phần tích cực nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân. Dịch Covid-19 đã tác động xấu tới hầu hết các lĩnh vực kinh tế, trong đó có các ngành nghề truyền thống ở địa phương. Xã thường xuyên tuyên truyền, vận động, trao đổi, gặp gỡ, nắm bắt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục theo quy định và động viên các cơ sở, người lao động ổn định tâm lý, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Làng nghề Thanh Hương, xã Đồng Thanh hiện có gần 200 hộ sản xuất cốm, bún, bánh, nấu rượu, làm đậu...Ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND xã Đồng Thanh cho biết: Thời điểm chưa có dịch Covid-19, mỗi ngày làng nghề xuất ra thị trường khoảng 20 tấn bún, bánh và hàng chục tấn cốm. Thị trường tiêu thụ bún, bánh là các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Thái Bình, Nam Định, thị trường tiêu thụ sản phẩm cốm chủ yếu là Hà Nội. Khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, các hộ sản xuất cốm phải tạm dừng sản xuất. Các hộ sản xuất bún, bánh vẫn duy trì sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh nhưng sản lượng chỉ đạt 30 -  40% so với trước. Anh Lê Văn Huyến, thôn Thanh Hương 1 cho biết: Với dây chuyền hơi làm bánh, trước kia mỗi ngày gia đình tôi sản xuất trung bình 600 - 1.000kg bánh cuốn/ngày, thu nhập đạt 15 - 20 triệu đồng/tháng nhưng hiện nay chỉ tiêu thụ được 200 - 300kg bánh cuốn/ngày, thu nhập 5 - 7 triệu đồng/tháng. Mặc dù sản xuất, kinh doanh khó khăn nhưng tôi không nản chí, kiên trì đợi tình hình dịch bệnh ổn định sẽ tiếp tục phát triển nghề truyền thống của cha ông.

Làng nghề chổi đót Tam Quang vươn lên trong dịch Covid-19.

Huyện Vũ Thư hiện có 5 làng nghề với 6.233 hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh và 15.231 lao động, trong đó có 5.186 lao động thường xuyên. Tổng giá trị sản xuất của các làng nghề đạt gần 500 tỷ đồng/năm. Trước khi có dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở, tổ hợp sản xuất nghề truyền thống đều sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần tích cực nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, hầu hết các nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện đều bị ảnh hưởng. Trong đó, nghề thêu xã Minh Lãng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, hoạt động sản xuất, kinh doanh gần như “đóng băng” trong hơn 1 năm qua. Các nghề, làng nghề khác giảm doanh thu và quy mô sản xuất 30 - 50%, có thời điểm tạm dừng hoạt động.

Đồng chí Nguyễn Tống Thìn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Hiện nay, huyện và các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân các làng nghề yên tâm, tin tưởng, chung sức đồng lòng cùng nhân dân cả nước sớm khống chế dịch bệnh, tạo nền tảng tốt nhất để trở lại sản xuất, kinh doanh. Huyện vận động bà con sáng tạo thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để kích thích tiêu dùng. Đối với một số làng nghề tạm thời phải dừng hoạt động do ảnh hưởng dịch bệnh, bà con có thể chuyển hướng sản xuất, khắc phục khó khăn trước mắt, duy trì việc làm, thu nhập cho lao động. Ngoài ra, huyện vận động các cơ sở sản xuất tranh thủ lúc dịch bệnh tạm dừng sản xuất có thể tổ chức vệ sinh, chỉnh trang nhà xưởng gọn gàng, khoa học hơn, tổ chức, sắp xếp lại công tác quản lý, nhân sự..., chuẩn bị các điều kiện thuận lợi nhất để khi dịch bệnh qua đi bắt tay vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày