Thứ 7, 23/11/2024, 20:57[GMT+7]

Độc Lập: Người nuôi cá lồng gặp khó

Thứ 5, 16/09/2021 | 08:39:54
5,351 lượt xem
Xã Độc Lập (Hưng Hà) có sông Hồng chảy qua, thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế từ nuôi cá lồng. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh trên đàn cá, đặc biệt là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp không xuất được cá nên các hộ nuôi cá lồng gặp không ít khó khăn.

Người nuôi cá lồng ở xã Độc Lập đang gặp không ít khó khăn.

5 năm qua, nghề nuôi cá lồng dọc sông Hồng ở xã Độc Lập đã trở thành kế sinh nhai của nhiều hộ dân. So với làm ruộng, trồng cây màu..., nghề nuôi cá lồng đem lại thu nhập cao hơn nhiều. Thế nhưng, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và một số dịch bệnh xuất hiện trên đàn cá khiến người dân luôn trong trạng thái thấp thỏm, lo âu vì hàng chục tấn cá không thể xuất bán, chi phí chăm sóc cá không ngừng tăng, không có vốn để tái đàn vật nuôi. 

Anh Nguyễn Đức Học, thôn Đồng Phú, người có 5 năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng cho biết: Trước đây gia đình tôi nuôi 16 lồng cá, chủ yếu cá lăng, cá diêu hồng, cá chép..., mỗi năm thu gần 50 tấn cá, doanh thu hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2020, do ảnh hưởng của bệnh nấm cá nên cá đang đến thời điểm thu hoạch chết hàng loạt, thiệt hại 600 triệu đồng, không có vốn tái đàn nên đến nay tôi chỉ cầm cự được 8 lồng cá. Năm nay, dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ gây khó khăn trong việc xuất bán và gối vụ sản xuất năm sau.  

Giống như anh Học, anh Trần Đức Thành có 12 lồng nuôi cá trên cùng bè với anh Học cũng sốt sắng không kém vì từ tháng 4 - 7/2021 anh xuất bán gần 25 tấn cá, trừ chi phí anh lỗ hàng trăm triệu đồng. 

Anh Thành cho biết: Hiện nay, mỗi lồng gia đình tôi nuôi gần 3.000 con cá, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, cá của gia đình đến thời kỳ xuất bán sẽ không có thương lái đến mua mặc dù giá đã giảm sâu so với trước. Hiện tại, một ngày cá ăn 20 bao cám công nghiệp, chi phí mua thức ăn lên đến 8 triệu đồng/ngày. Để cầm chừng, tôi cắt giảm khẩu phần ăn của cá còn 60 - 70% so với chế độ ăn trước đây.

Hộ ông Lê Trọng Đãi, thôn Đồng Phú nuôi 10 lồng cá, chủ yếu cá lăng, tầm, trắm..., dự kiến sẽ thu khoảng 60 tấn. Tuy nhiên, lượng cá của gia đình ông bán ra rất chậm, chỉ bằng 10% so với trước. Giá cá lăng cũng giảm trên 20%, chỉ còn ở mức hơn 50.000 - 60.000 đồng/kg. Ông Đãi mong muốn nhà nước có cơ chế hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là ưu đãi về vốn, lãi suất vay, gỡ khó trong tiêu thụ sản phẩm để người dân tiếp tục sản xuất.

Hiện nay, xã Độc Lập có 56 lồng cá với các loại cá như cá lăng, trắm, trôi, chép, rô phi... 

Ông Bùi Văn Hiến, Chủ tịch UBND xã cho biết: Khó khăn nhất của những hộ nuôi cá lồng ở địa phương hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ vay vốn từ các ngân hàng, chưa quy hoạch tập trung. Để giúp người dân duy trì và phát triển nghề nuôi cá lồng, xã Độc Lập tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, bổ sung các kiến thức, kỹ thuật cho người dân. Bên cạnh đó, xã khuyến khích người dân đưa giống cá mới phù hợp vào nuôi; nuôi cá theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường. Đồng thời mong muốn các cấp, các ngành có chính sách hỗ trợ kịp thời, quy hoạch vùng nuôi, tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho người dân vay vốn lãi suất thấp để duy trì sản xuất.

Người dân nuôi cá lồng xã Độc Lập chuẩn bị thức ăn cho cá.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày